Doanh nghiệp, ngân hàng gặp khó với quy định mới về thuế
Trong khi nhiều doanh nghiệp có khả năng bị phạt vì nộp thiếu thuế thu nhập, các ngân hàng cũng đứng trước khó khăn bảo mật thông tin khách hàng nếu làm theo Nghị định 126.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12 vừa được Chính phủ ban hành, quy định mới một loạt hoạt động liên quan việc kê khai và nộp thuế của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số nội dung mới nghị định đưa ra bị các chuyên gia cho rằng gây khó cho hoạt động doanh nghiệp. Trong đó, việc quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp 3 quý đầu năm phải cao hơn 75% số thuế thu nhập phải nộp cả năm khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại.
Hàng loạt doanh nghiệp có thể bị phạt thuế
Cụ thể, Nghị định 126 quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp trong 3 quý đầu năm của doanh nghiệp không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập phải nộp theo quyết toán năm đó. Trường hợp nộp thiếu so với số thuế kể trên doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế quý III đến ngày số thuế còn thiếu được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Theo quy định này, ngày 30/10 mỗi năm sẽ là thời điểm doanh nghiệp phải nộp đủ 75% tổng tiền thuế phải nộp của cả năm kinh doanh. Nếu chưa đủ 75%, doanh nghiệp sẽ bị tính tiền chậm nộp thuế từ ngày 1/11 đến ngày nộp theo mức phạt 0,03%/ngày với phần thuế nộp thiếu. Đối với phần tiền thuế quý IV, doanh nghiệp sẽ được nộp đến thời điểm quyết toán vào 30/3 năm sau.
Ví dụ, một doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế quý I, II, III là 30 tỷ đồng (chia đều 3 quý), thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp sẽ là 6 tỷ (mỗi quý 2 tỷ). Đến quý IV doanh nghiệp bất ngờ có lãi cao, thu nhập chịu thuế tăng lên 20 tỷ, tổng thu nhập chịu thuế cả năm của doanh nghiệp sẽ là 50 tỷ và số thuế phải nộp tương ứng là 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau 3 quý đầu năm, số thuế thu nhập tạm nộp của doanh nghiệp trên mới là 6 tỷ, tương đương 60% tổng thuế phải nộp trong năm. Tỷ lệ này thấp hơn quy định 75% theo Nghị định 126. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải đóng tiền chậm nộp trên số thuế tạm nộp thiếu 1,5 tỷ đồng sau 3 quý.
Nếu nộp thêm 1,5 tỷ vào ngày 30/11 cùng năm, doanh nghiệp trên vẫn bị phạt tiền chậm nộp tính trên 1,5 tỷ thiếu trong 1 tháng, tương đương số tiền phạt 13,5 triệu đồng.
Nếu áp quy định trên, những doanh nghiệp có lợi nhuận cao đột biến trong quý IV sẽ đứng trước nguy cơ cao bị phạt tiền chậm nộp thuế thu nhập. Nếu không muốn trường hợp này xảy ra, doanh nghiệp buộc phải nộp nhiều hơn số tiền thuế 3 quý đầu năm.
Ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho ngành thuế
Bên cạnh bất cập trên, Nghị định 126 cũng quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế (khách hàng) mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.
Trong đó, theo đề nghị của cơ quan thuế, ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế được cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Việc cung cấp thông tin kể trên được thực hiện lần đầu trong 90 ngày kể từ khi Nghị định 126 có hiệu lực và cập nhật các thông tin về tài khoản hàng tháng trong 10 ngày đầu mỗi tháng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thuế để phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra, xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định của pháp luật.
Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật liên quan.
Nghị định 126 cũng yêu cầu ngân hàng phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân trong nước.
Trong đó, nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế thì ngân hàng, trung gian thanh toán khấu trừ, nộp thay với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán.
Trường hợp cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác mà ngân hàng, trung gian thanh toán không thực hiện khấu trừ, nộp thay thì ngân hàng, trung gian thanh toán phải theo dõi số tiền giao dịch và định kỳ hàng tháng gửi về Tổng cục Thuế.
Tuy nhiên, quy định kể trên lại mâu thuẫn với quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Luật các tổ chức tín dụng.
Theo đó, Luật các tổ chức tín dụng yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng tại đơn vị mình cho tổ chức cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận của khách hàng.
Quang Thắng
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường