Lao động thất nghiệp sử dụng "của để dành" vượt qua đại dịch
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động Quảng Ngãi mất việc. Vào lúc đó, trợ cấp thất nghiệp được xem là "của để dành" giúp họ trang trải cuộc sống, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Chị L.M.D. (33 tuổi, phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi) là một trong số đó. Chị D. từng là kế toán của một công ty có trụ sở tại TP Quảng Ngãi. Đợt dịch thứ 4 bùng phát, các dự án của công ty gặp khó khăn nên phải cắt giảm nhân sự. Tháng 5/2021, chị D. chính thức mất việc.
Chị D. chủ động tìm việc ở nhiều nơi nhưng không có kết quả nên phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với mức lương đóng bảo hiểm xã hội khá cao nên trợ cấp thất nghiệp của chị D. nhận được lên đến hơn 9 triệu đồng mỗi tháng.
"Do ảnh hưởng dịch bệnh nên mấy tháng nay tôi chưa tìm được việc làm phù hợp. Vì vậy phải làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp. Khoản tiền này giúp tôi trang trải chi phí cho gia đình trong thời điểm khó khăn", chị D. chia sẻ.
Chị D. chỉ là một trong số hơn 3.600 người được Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi chi trả trợ cấp thất nghiệp trong vòng 7 tháng qua. Tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động tại Quảng Ngãi đã lên trên 56 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Tiến Tân - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi, 2 năm qua, số lao động mất việc do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 tăng cao. Số lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu từ 25 - 40 tuổi. Những người này tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành công nghiệp chế biến, xây dựng, bán buôn, bán lẻ.
Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung. Số lao động tìm được việc làm giảm, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao nhưng công tác giới thiệu việc làm mới gặp khó khăn.
Nhiều phiên giao dịch việc làm phải tạm hoãn nhằm tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm dịch vụ việc làm chỉ tổ chức được 6/14 phiên giao dịch việc làm, huy động được 65 doanh nghiệp tham gia với 1.500 lao động được tuyển dụng.
"Số lao động thất nghiệp tăng nhưng các phiên giao dịch việc làm giảm gây rất nhiều khó khăn cho người lao động. Trong điều kiện không tổ chức được các phiên giao dịch việc làm như cách làm truyền thống, Trung tâm đã tăng cường hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm trực tuyến. Cách làm này sẽ gỡ khó một phần cho người lao động trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay", ông Đỗ Tiến Tân chia sẻ.
Quốc Triều
- Quốc khánh 2/9: Người lao động được nghỉ mấy ngày trong năm đầu tiên áp dụng quy định mới?
- Hà Nội dự kiến hỗ trợ thêm 10 nhóm lao động khó khăn nằm ngoài Nghị quyết 68 của Chính phủ
- Lao động làm công ăn lương được hỗ trợ gì khi không được giảm thuế TNCN?
- Nhà đầu tư BĐS vẫn tìm cách vượt lên khó khăn nhất thời