Làng hoa ở TPHCM lùi dần ra ngoại thành

Thứ hai, 07/12/2020, 10:10 AM

Bị các dự án đòi lại đất, lại đối mặt với vô vàn khó khăn do dịch bệnh, làng hoa quận 12, TPHCM buộc phải giải tán.

Giảm một nửa sản lượng

Nhiều năm nay, hơn chục vườn hoa trong khu đất dự án trên đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12 được nhiều người gọi là “làng hoa quận 12”. Đây là nơi có không khí tết sớm nhất Sài Gòn. Ba tháng trước tết là thời điểm các nhà vườn bắt đầu trồng hoa cúc, mào gà, cát tường, vạn thọ…

“Làng hoa” chỉ có diện tích chừng 4ha nhưng luôn đông vui, nhộn nhịp khi thương lái kéo đến lấy hoa, người dân nội thành tìm đến ngắm hoa và chọn những chậu hoa ưng ý nhất. Năm nay, toàn bộ vùng trồng hoa này chỉ còn là bãi đất trống. Những chủ vườn hoa trước đây nay bỏ nghề hoặc tìm đến những khoảng đất nhỏ hơn gần đó để tiếp tục trồng hoa bán vào dịp Tết.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh - Chủ tịch Hội Nông dân quận 12 - cho biết vào dịp này năm ngoái, các chủ đầu tư của khu đất trồng hoa bắt đầu đòi đất để làm dự án, khi các hộ trồng hoa mới lên chậu. Một số đơn vị trong quận đứng ra thuyết phục các chủ đầu tư để cho bà con thu hoạch hết lứa hoa tết rồi dọn dẹp, trả lại mặt bằng sạch ngay sau tết. Sau Tết, số hộ trồng hoa dời đến những khu đất trống tại quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi để tiếp tục trồng hoa, có người bỏ nghề. Nhiều hộ trồng hoa Tết tại làng hoa này vốn là dân từ làng hoa Gò Vấp, đến đây thuê đất để giữ nghề.

Chị Bích - từng trồng hoa ở làng hoa quận 12 - cho biết sau khi bị đòi lại đất, nhiều người phải ra ngoại thành thuê đất trồng hoa. Chị may mắn mượn được miếng đất nhỏ của một người thân cách chỗ cũ không xa. Theo chị Bích, rất nhiều hộ trồng hoa tết gắn bó với nghề này nhiều năm rồi, nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc từng loài hoa nên vẫn muốn gắn bó với nghề.

Chị Bích cho biết, dịp tết mọi năm, chị trồng khoảng 30.000 chậu hoa các loại như cúc đại đóa, cát tường, hướng dương, ruby nhiều màu… Năm nay, chị chỉ trồng khoảng 10.000 chậu gồm khoảng 3.000 chậu cúc đại đóa, 2.000 chậu cát tường, các loài hoa khác mỗi loại 1.000 - 2.000 chậu. Tuy nhiên, chị dự đoán sức tiêu thụ năm nay thấp do dịch bệnh. 

Mấy tuần trước, các đầu mối đã gọi điện thoại đặt hàng, đang thương thảo về giá thì TPHCM lại có các ca mắc COVID-19 mới, các mối đều đình lại hết. “Họ lo nếu dịch diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp giãn cách thì người dân sẽ giảm mua sắm Tết” - chị Bích cho hay.

4935_2-anh2-7

Hoa Tết Tân Sửu khó dồi dào

Anh Nguyễn Hiếu Trung - trồng mai tại đường số 8, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM - cho biết các làng hoa Tết của TPHCM như làng hoa Gò Vấp, làng mai Thủ Đức đều bị thu hẹp hoặc mất nơi trồng hoa do đô thị hóa. Muốn giữ nghề, các chủ vườn mai của quận Thủ Đức phải đến các huyện như Bình Chánh, Củ Chi thuê đất làm vườn nhưng chất lượng hoa vẫn không thể bằng so với lúc trồng ở quận Thủ Đức. 

“Giống mai giảo nổi tiếng ở đây là nhờ vào thổ nhưỡng, nguồn nước nên một số chủ vườn vẫn duy trì vườn nhỏ ở quận Thủ Đức để dưỡng những gốc mai lâu năm, có gốc lên đến trăm năm. Thay vì bán, họ cho thuê, giúp họ vừa có thu nhập, vừa giữ được nghề. Những người buôn bán thì chọn cách nhập mai từ Bình Định hoặc các tỉnh miền Tây về bán, giá thấp hơn” - anh Trung chia sẻ.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Trần Thế Hùng - Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM - cho hay các nhà vườn hoa, kiểng của TPHCM vẫn chuẩn bị cho vụ hoa tết, nhưng theo dữ liệu do các vùng trồng báo về, lượng hoa, kiểng tết năm nay chỉ bằng khoảng 50 - 60% so với năm ngoái. Hầu hết người trồng lo lắng về tình hình dịch bệnh. Hội Sinh vật cảnh cũng lên kế hoạch tổ chức hai hội chợ hoa tết như mọi năm nhưng vẫn dự phòng rủi ro, sự cố do dịch bệnh.

Theo ông Hùng, không chỉ ở TPHCM, lượng cây của các nhà vườn ở miền Tây, miền Trung cũng không dồi dào như các năm trước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Nhiều nhà vườn ở các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định… báo về, cho biết bị ảnh hưởng của mưa, bão. Cúc đại đóa vốn là sản phẩm thế mạnh của các nhà vườn miền Trung nhưng bị ảnh hưởng của thiên tai, sản lượng hao hụt rất lớn. Ông Hùng nói: “Cúc đại đóa thường được trồng trước Tết sáu tháng, nhưng các đợt mưa, lũ trong tháng Mười đã làm chết, người trồng không thể trồng thay thế để kịp nở đúng Tết”.

Ông Hùng nhận định, giá hoa, kiểng dịp Tết Tân Sửu có thể tăng 20 - 30% so với năm trước. Ngoài yếu tố nguồn cung trong nước giảm, nguồn hoa kiểng nhập khẩu cũng được dự báo không dồn dập như mọi năm do việc kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu chặt chẽ hơn. 

Dịch bệnh khiến đầu ra của mai tết khó khăn

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chủ vườn mai ở quận Thủ Đức, quận 12 dự đoán, việc bán, cho thuê mai tết năm nay sẽ khó khăn hơn mọi năm. Theo các chủ vườn, đầu ra chính của mai Tết là các công ty, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, nhưng dưới tác động của dịch COVID-19, đầu ra của cây mai chắc chắn gặp khó. 

Chủ vườn mai Hồng Phong (quận Thủ Đức) cho rằng, hiện còn quá sớm để nói về thị trường năm nay nhưng dưới tác động của dịch COVID-19, người dân sẽ chi tiêu ít hơn hoặc đơn giản hơn và có thể cắt giảm các khoản vui chơi, mua sắm. Đồng quan điểm, anh Huỳnh Lê Khánh Triều - chủ vườn mai Sáu Hải (quận Thủ Đức) - dự đoán lượng mai bán, cho thuê Tết này có thể giảm từ 30 - 40%. Vườn anh hiện có gần 1.000 gốc mai cho thuê hoặc bán, giá thuê từ 5 - 15 triệu đồng/cây. Khách hàng thường đặt sớm để nhà vườn chủ động chuẩn bị mai, canh thời gian lặt lá, vận chuyển phù hợp. Mọi năm, trước tết hai tháng, khách hàng ở xa đã đặt hàng, nhưng đến giờ, chưa có đơn đặt hàng nào. 

Theo anh Triều, năm nay, vườn anh tiết giảm mọi chi phí vận chuyển, mặt bằng, nhân công. Anh hạn chế thuê người ngoài, thương lượng với bên cho thuê mặt bằng để có giá thuê rẻ hơn. Mọi năm, anh thuê một mặt bằng có giá 20 triệu đồng một mùa Tết.

Anh Nguyễn Hữu Long - chủ một vườn mai tại quận 12 - cho rằng khách hàng tại TPHCM phần lớn thuê mai thay vì mua. Do vậy, dù có thể số lượng cho thuê không nhiều như mọi năm nhưng người trồng mai không bị ảnh hưởng nặng so với người trồng các loài hoa khác như cúc, vạn thọ. “Mùa mai năm nay thua lỗ thì trông chờ vào mùa mai năm sau. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng TPHCM chặn được đợt dịch mới để người trồng mai gỡ gạc chút đỉnh mùa Tết” - anh Long nói thêm.

 Thư Hùng- Quốc Thái

Theo phunuonline

largeer