Khu Hòa Bình thành cao tầng, hồn Đà Lạt sẽ mất!
Bằng sự thay đổi cảnh quan hiện đại như quy hoạch, e rằng giá trị văn hóa, lịch sử của trung tâm Đà Lạt cũng sẽ không còn nữa!
Trong mỗi đô thị, khu vực trung tâm luôn thể hiện tính chất đặc trưng bao gồm cảnh quan, kiến trúc, lối sống cộng đồng... được hình thành từ điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh xã hội và lịch sử cộng đồng dân cư. Do đó, nhìn nhận chức năng quan trọng nhất của khu vực trung tâm từ góc độ nào cũng phải là chức năng thể hiện bản sắc văn hóa và lịch sử. Trung tâm Đà Lạt thường được gọi là khu Hòa Bình hình thành từ lâu đời, là khu vực thương mại dịch vụ quan trọng của TP du lịch nổi tiếng với nhiều tài nguyên bản địa độc đáo và phong phú.
Bảo tàng sống
Khu Hòa Bình nằm trong một thung lũng của những ngọn đồi nhỏ bao quanh. Tại đây có chợ Đà Lạt, rạp Hòa Bình, chợ đêm... và những con đường tỏa ra nhiều hướng. Chợ Đà Lạt được xây dựng xong vào năm 1960, là một trong những ngôi chợ đầu tiên có nhiều tầng. Nơi đây trưng bày những sản vật của TP và vùng phụ cận, gồm nhiều loại hoa, trái cây, rau tươi, cà phê, trà, các loại thực phẩm chế biến như trái cây khô, mứt, bánh kẹo, rượu... cùng lâm thổ sản của vùng cao nguyên, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của cộng đồng dân tộc ít người... Rạp Hòa Bình vốn là chợ cũ đã chuyển đổi chức năng thành rạp chiếu phim và những kiốt bán đồ lưu niệm, trang phục mùa lạnh phục vụ du khách. Chợ đêm Đà Lạt là một thương hiệu thu hút du khách, tạo nên ấn tượng khó quên về TP này.
Quanh chợ Đà Lạt là những tiệm ăn và quán cà phê nổi tiếng từ lâu đã trở nên quen thuộc với người Đà Lạt và du khách, đặc trưng của những quán này là khá yên tĩnh, riêng tư, dành cho du khách cảm nhận và trải nghiệm một nhịp sống chậm của TP du lịch nhưng không xô bồ, ồn ào. Theo cảnh quan tự nhiên, những đường phố ở đây nhỏ và dốc, có thể thả bộ, đi xe đạp hay xe máy, nhìn ngắm dãy nhà phố kết hợp sinh sống và thương mại dịch vụ quy mô vừa và nhỏ... hình thành lối giao tiếp gần gũi, thân thiện trong sinh hoạt của cộng đồng địa phương và du khách.
Từ sau năm 1975, dân cư khu vực trung tâm cũng có sự biến động như nhiều đô thị khác nhưng chưa làm biến mất những đặc tính văn hóa xuất phát từ điều kiện sống nơi đây. Sự hòa hợp giữa cảnh quan kiến trúc và lối sống bình yên, thân thiện trong giao tiếp dịch vụ, thương mại, không khí tĩnh lặng, êm đềm của các quán cà phê, quán ăn có nguồn gốc lâu đời còn là một đặc trưng của khu Hòa Bình. Có thể coi khu Hòa Bình như một bảo tàng sống động về văn hóa và con người Đà Lạt.
Bảo vệ một thương hiệu Đà Lạt
Hiện nay Đà Lạt ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, vì vậy Đà Lạt đã mở rộng và xây dựng cơ sở hạ tầng khá nhanh. Nhiều cảnh quan đô thị và cảnh đẹp thiên nhiên Đà Lạt đã bị chia sẻ sở hữu đầu tư và khai thác bừa bãi. Tầm nhìn quy hoạch và quản lý xây dựng đã có tác động tiêu cực đến di sản đô thị Đà Lạt, nhất là khu vực trung tâm. Do đó, bảo tồn cảnh quan tự nhiên và nhân văn, bảo tồn kiến trúc đặc thù và phát triển những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng... phải là ưu tiên hàng đầu trong các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, vì đây chính là sản phẩm du lịch mang thương hiệu Đà Lạt.
Theo đó, khu vực Hòa Bình phải được coi là vùng di sản, cần một quy hoạch chỉnh trang theo hướng bảo tồn, trùng tu các công trình cũ (thậm chí phục dựng lại rạp Hòa Bình và sử dụng chức năng mới, như trung tâm nghệ thuật bản địa chẳng hạn) để duy trì và quảng bá hình ảnh một dấu chỉ nhận diện của TP. Đồng thời tổ chức lại giao thông, hạn chế các loại xe để tăng cường không gian công cộng cho những phố đi bộ, phát triển thương nghiệp dịch vụ truyền thống tại chợ Đà Lạt và khu vực bên ngoài, bảo vệ sự ổn định của cộng đồng dân cư lâu đời và lối sống, sinh hoạt kinh tế đặc trưng... Giá trị kinh tế của khu vực này không mất đi mà được tích lũy và tăng theo giá trị lịch sử, văn hóa.
Nhưng với bản đồ án “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng” sẽ biến khu Hòa Bình trở thành khu cao tầng thương mại phức hợp, phá bỏ rạp Hòa Bình thay bằng cụm trung tâm thương mại, mở rộng các con đường và thêm nhiều tuyến đường mới vào khu trung tâm cho các phương tiện giao thông tiếp cận, di dời tòa biệt thự cổ dinh tỉnh trưởng để xây cụm khách sạn mái tròn cao tầng... Bằng sự thay đổi cảnh quan “hiện đại” như vậy, giá trị văn hóa, lịch sử của trung tâm Đà Lạt cũng không còn nữa!
Quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa ở nhiều tỉnh, thành đã phá hủy khu vực trung tâm - nơi lưu giữ dấu ấn đặc trưng lịch sử, văn hóa của đô thị. Những bản quy hoạch khu trung tâm hiện đại với công trình cao tầng đồ sộ, bê tông và kính lạnh lùng lấn lướt những khu phố, những ngôi nhà đã hòa hợp tồn tại hàng trăm năm. Thực trạng này vừa là sự “nhân bản vô tính” vì hoàn toàn không mang hồn vía đô thị, vừa là thái độ vô ơn với tiền nhân - những người đã tạo dựng lịch sử đô thị!
Nguy cơ chợ Đà Lạt sẽ biến mất
Khi bị các trung tâm thương mại cao tầng nhiều chức năng vây quanh thì chợ Đà Lạt - chợ truyền thống về sản phẩm, phương thức kinh doanh và quan hệ mua bán... có tồn tại lâu dài như một di sản văn hóa, một dấu ấn lịch sử được không? Nguy cơ thấy rõ là chợ Đà Lạt - một “mảnh đất vàng” sẽ dễ dàng biến mất vì nó trở nên lạc lõng và “xấu xí” giữa những tòa nhà hiện đại. Cần nhận thức rõ trong điều kiện Việt Nam hiện nay, việc xây dựng những công trình hiện đại xung quanh công trình di sản là kiểu “chó sói gửi chân”, chấp nhận điều này đồng nghĩa với việc sẽ xóa bỏ công trình di sản!
Sự phá hủy khu vực trung tâm đô thị sẽ làm mất đi các di sản vật thể gắn với sự nhận diện Đà Lạt quen thuộc hơn trăm năm qua, mất đi các giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của người Đà Lạt, hạn chế không gian công cộng thân thiện của cộng đồng và có tác động tiêu cực đến sự phân hóa xã hội, xóa bỏ cảnh quan tiêu biểu của TP trong ký ức của người dân và du khách. Đó là những giá trị cốt lõi để đô thị sống và phát triển bền vững.
Xin đừng nhân danh quy hoạch đô thị hiện đại mà phá hủy khu vực trung tâm, xóa bỏ ký ức và tình cảm nhiều thế hệ cộng đồng, gián tiếp bức tử một đô thị vì không có bản sắc riêng, không còn lịch sử hiện hữu. Không có mối liên hệ quá khứ và hiện tại thì làm sao đô thị - và con người - có tương lai?
Nguyễn Thị Hậu
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch