Không xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH trước 1-1-2018

Thứ sáu, 30/08/2019, 09:42 AM

Nếu gây thiệt hại cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) hoặc tổ chức, cá nhân khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người vi phạm.

HĐTP TANDTC vừa ban hành Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người  lao động (NLĐ) của Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015.

Theo đó, đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 1-1-2018 thì không xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 216 BLHS 2015 mà tùy từng trường hợp sẽ xử lý như sau:

13

- Nếu chưa xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) và chưa hết thời hiệu xử phạt VPHC thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt VPHC.

- Nếu đã xử phạt VPHC mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thi hành thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt VPHC được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Xử lý VPHC;

Việc thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC này thực hiện theo pháp luật về thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.

- Nếu gây thiệt hại cho NLĐ, cơ quan BHXH hoặc tổ chức, cá nhân khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người vi phạm.

Việc đã bị xử phạt VPHC về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ trước 0 giờ 00 phút ngày 1-1-2018 không bị coi là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 BLHS 2015.

Thế nào là thẻ BHYT giả?

Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng giải thích rõ 14 thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự , đơn cử như:

- Thẻ BHYT giả quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là thẻ BHYT không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

- Thẻ BHYT được cấp khống quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là BHYT do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người không đóng hoặc không thuộc diện được các tổ chức, nguồn quỹ khác đóng BHYT theo quy định.

- 6 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự được xác định là 6 tháng liên tục hoặc 6 tháng cộng dồn trở lên.

Ví dụ: Trong thời gian từ tháng 5 năm 2018 đến tháng 3 năm 2019, Doanh nghiệp A không đóng BHXH 4 tháng trong năm 2018 (gồm các tháng 5, 7, 9 và 11) và 2 tháng trong năm 2019 (tháng 1 và tháng 2) là không đóng BHXH 6 tháng cộng dồn trở lên.

- Không đóng đầy đủ quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho NLĐ, thu nhập doanh nghiệp nhưng chỉ đóng một phần tiền BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH theo quy định.

K.An

Theo nld.com.vn