Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Khóa nhảy dù chỉ tuyển dưới 100 người mỗi năm: Vượt sợ hãi, chạm giấc mơ bầu trời

Thứ tư, 30/04/2025 07:05 (GMT+7)

Mỗi năm, CLB Hàng không phía Bắc và CLB Hàng không phía Nam chỉ tuyển dưới 100 thành viên dân sự tham gia khóa huấn luyện nhảy dù kéo dài suốt 4 tháng.

Vừa có chuyến nhảy dù lần thứ 29 tại đợt huấn luyện nhảy dù năm nay của Câu lạc bộ Hàng không phía Bắc, chị Vũ Quỳnh Hương – một nhà báo sinh ra trong gia đình có truyền thống trong quân đội - hào hứng kể về những trải nghiệm của mình với bộ môn thể thao hàng không nhảy dù.

“Sáng nay tôi vừa nhảy số 1 tiếp đất an toàn. Đã nhảy 29 lần nhưng với tôi, mỗi lần đều mang một cảm giác khác nhau. Bầu trời, mặt đất, sức gió, tâm trạng, sức khỏe, suy nghĩ… Mọi thứ đều khác lạ”, nhà báo Vũ Quỳnh Hương - một trong những bóng hồng hiếm hoi của CLB chia sẻ.

Khóa huấn luyện nhảy dù của CLB Hàng không Việt Nam được nhiều người yêu thích. Ảnh: NVCC.

Mỗi năm chỉ tuyển 1 khóa duy nhất ở cả hai miền

CLB Hàng không Việt Nam chịu sự quản lý của Bộ Quốc phòng, do Quân chủng Phòng không - Không quân trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng phát triển và tổ chức hoạt động. Đây là đơn vị chính quy được thành lập theo quyết định của Thủ tướng chính phủ. Đến nay, CLB này đã tồn tại được 21 năm với mục tiêu duy trì lực lượng dự phòng cho không quân Việt Nam.

Theo Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, Phòng Cứu hộ - Cứu Nạn/BTM PKKQ, Chủ nhiệm Dù QC PKKQ, nhảy dù là môn thể thao hàng không mạo hiểm, đòi hỏi người tham gia phải 'khổ luyện' trong thời gian nhất định để vượt qua nỗi sợ hãi, rèn luyện bản lĩnh, kiến thức, sự tự tin và có trải nghiệm tuyệt vời trên bầu trời. Hàng năm, CLB Hàng không phía Bắc và CLB Hàng không phía Nam (Quân chủng PKKQ) chỉ tuyển dưới 100 học viên dân sự, đáp ứng rất nhiều tiêu chí phức tạp. Mọi học viên đều phải có lý lịch tư pháp, trải qua kiểm tra giám định sức khỏe hàng không, được huấn luyện lý thuyết, luyện tập động tác mặt đất và phải hoàn thành, vượt qua bài kiểm tra đánh giá lý thuyết và tập luyện tốt thì mới có thể được bay và thực hành nhảy dù, trải nghiệm cảm giác 'vượt qua chính mình' và thỏa nguyện ước mơ trên không trung.

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, Phòng Cứu hộ - Cứu Nạn/BTM PKKQ, Chủ nhiệm Dù QC PKKQ. Ảnh: NVCC.

“Những người tham gia sẽ phải được đào tạo như một chiến sĩ chính quy, không có ngoại lệ. Độ tuổi tuyển hiện nay là từ 18 - 42 tuổi. Giáo trình huấn luyện tương đương giáo trình huấn luyện kỹ năng của một chiến sĩ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó trong thời gian tham gia thực hành huấn luyện nhảy dù, hội viên CLB sẽ được trải nghiệm trong đời sống quân ngũ và học cách làm việc theo nguyên tắc, kỷ cương, chấp hành các chế độ, quy định quân đội, quy định trong tổ chức huấn luyện nhảy dù như: chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, rèn luyện sức khỏe... Chấp hành nghiêm mọi mệnh lệnh của chỉ huy nhảy dù, phát huy những kiến thức đã được giảng dạy, trung thành yếu lĩnh động tác, dũng cảm, bản lĩnh thực hiện các khoa mục, bài nhảy, hoàn thành tốt mọi chuyến nhảy dù được giao, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Chương trình huấn luyện nhảy dù quân sự cho hội viên CLB cũng góp phần giáo dục ý thức, trách nhiệm của hội viên đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, góp phần giáo dục cho hội viên lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, bồi dưỡng niềm tự hào tự tôn dân tộc, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ Quốc VNXHCN, góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ giáo dục quốc phòng mà CLB HK được giao", Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Bên cạnh đó, sau khi được đào tạo xong, các học viên phải trải qua 3 vòng kiểm tra, sát hạch mặt đất của các cơ quan kỹ thuật chủ quản bao gồm: CLB Hàng không phía Bắc, CLB hàng không phía Nam, Trung tâm Quốc gia Huấn luyện Tìm kiếm cứu nạn (HLTKCN) đường không, lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân. Sau khi qua được 3 vòng này mới được tốt nghiệp và cho phép nhảy thực chiến.

Nhà báo Vũ Quỳnh Hương - một thành viên thường xuyên của CLB Hàng không phía Bắc. Ảnh: NVCC.

Hơn 1.000 lượt huấn luyện, trụ lại không đến 30 người hoạt động thường xuyên

Chị Vũ Quỳnh Hương đã tham gia câu lạc bộ được 3 năm. Chia sẻ về lý do tham gia câu lạc bộ đặc biệt này, chị Quỳnh Hương cho hay, chị sinh ra trong gia đình có truyền thống quân đội 3 đời. Việc được sống, được phục vụ và trải nghiệm không khí trong quân đội là mơ ước từ thuở nhỏ của chị nhưng do thời bình không sử dụng cán bộ lính chiến đấu là nữ nên chị đã chọn nghề nghiệp được dấn thân nhiều nhất là nhà báo.

“Khi thấy cơ hội được trải nghiệm, được sống với niềm đam mê, đời sống quân ngũ thực thụ với không quân Việt Nam. Tôi quyết định đăng ký ngay và nhanh chóng có được sự ghi nhận” - nhà báo Vũ Quỳnh Hương chia sẻ.

Trong 3 năm, nhà báo Vũ Quỳnh Hương thực hiện 29 cú nhảy dù. Ảnh: NVCC.

Từ một người từng sợ độ cao, chân tay như bị kim châm khi đứng trên các tòa nhà cao tầng, chị Vũ Quỳnh Hương như biến thành người khác ngay từ khi bắt đầu những bài luyện tập đầu tiên trên thao trường.

Trong 4 tháng huấn luyện, các hội viên sẽ phải được đào tạo thuần thục những kỹ năng như một sĩ quan chuyên nghiệp gồm: Kỹ năng gấp dù, ra cửa máy bay, xử lý bất trắc trên không, điều khiển dù, kỹ năng tiếp đất, và xử lý bất trắc mặt đất.

Theo chị Vũ Quỳnh Hương, dù đã trải qua khoảng 1000 lượt huấn luyện trong vòng 21 năm nhưng con số thành viên trụ lại sinh hoạt, luyện tập thường xuyên không đến 30 người bởi không phải ai cũng đủ kỹ năng và tinh thần thép để vượt qua được khóa học. Có nhiều nguyên nhân về sức khỏe, kỹ năng, gia đình… hoặc đơn giản là nhiều người chỉ trải nghiệm một lần rồi thôi.

Thượng tá Đỗ Hà Ơn, chủ nhiệm CLB Hàng không phía Bắc nghiêm khắc đào tạo học viên. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về lần nhảy đầu tiên, nhà báo Vũ Quỳnh Hương cho hay: “Đa số mọi người sẽ có cảm giác hồi hộp, phấn khích và có một chút sợ nhưng tôi thì không dù tôi từng sợ độ cao. Tôi rất biết ơn sỹ quan huấn luyện, thượng tá Đỗ Hà Ơn (chủ nhiệm CLB HK PB) và các thầy trong lực lượng đã nghiêm khắc, tận tình đào tạo, biết ơn những ngày tháng trải nghiệm cuộc sống quân ngũ thực thụ với Không quân Việt Nam, để chúng tôi có đủ kỹ năng, bản lĩnh thực hiện kỹ thuật. Khi quyết định mạnh mẽ, dũng cảm, kiên quyết thì tôi không còn sợ gì nữa cả”.

Câu cửa miệng của lính nhảy dù

Nhảy 29 chuyến trong suốt 3 năm tham gia câu lạc bộ, chị Quỳnh Hương cũng được coi là một trong những bóng hồng kỳ cựu của CLB Hàng không phía Bắc.

Chị kể câu cửa miệng của lính nhảy dù là: “Gặp nhau mặt đất” và “An toàn”. Đó là lời chào cũng là lời chúc nhau thành công, tin cậy nhau của những người lính nhảy dù.

Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, mỗi thành viên sẽ được phép nhảy thực chiến 1-1 không có người nhảy kèm. Từ khi máy bay thả lính nhảy dù cho đến khi họ tiếp đất rơi vào khoảng 3 phút 30 giây nếu dù mở bình thường.

“Khi máy bay trên không đạt không tốc khoảng 140km/h, cách mặt đất 800-900m. Tốc độ rơi ra cửa của người nhảy là 35m/s rơi dưới dù ổn định. Chúng tôi sẽ có thời gian rơi 3-5 giây dưới dù ổn định trước khi giật dù chính mở. Điều này tương đương việc bạn rơi từ tòa nhà 25 tầng xuống mặt đất. Đó là cảm giác không môn thể thao nào trên mặt đất có thể so sánh được”, chị Vũ Quỳnh Hương chia sẻ về cảm giác những lần nhảy dù của mình.

Nhà báo Vũ Quỳnh Hương luôn chuẩn bị cho các tình huống nếu đất nước cần thì sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: NVCC.

Khi được hỏi có sợ nguy hiểm hay không, nữ nhà báo cho biết: “Mọi người nhìn từ bên ngoài vào có thể thấy rất sợ nhưng dưới góc độ của một người được huấn luyện, tôi có thể khẳng định nó an toàn hơn so với tất cả các môn thể thao tự phát của dân sự hiện nay. Trước khi thực hiện nhảy, mấy trăm con người phải chuẩn bị kỹ càng, cẩn thận từ đo tốc độ gió, kiểm tra khí tượng, kiểm tra máy móc khí tài, kiểm tra cứu hộ cứu nạn mặt đất... Hơn nữa, bản thân những người tham gia phải được huấn luyện cấp độ chuyên gia mới được thực hiện nhảy dù”.

Cũng theo lời nữ nhà báo, người ra cửa số 1 trong mỗi lần nhảy dù sẽ rất phấn khích và có ấn tượng sâu sắc. “Người đứng số 1 có nhiều thời gian nhìn vào khoảng không hun hút phía dưới, không gian thời gian, mọi thứ như ngưng đọng lại. Nếu không có bản lĩnh, thần kinh thép, ý chí tốt chắc chắn sẽ bỏ cuộc”, chị Vũ Quỳnh Hương chia sẻ.

Dù là một người phụ nữ nhỏ nhắn với chiều cao 1,6m nhưng chị Vũ Quỳnh Hương kể chị thường xuyên nhảy ở vị trí số 1. Khoảng thời gian 3- 5 giây rơi dưới dù ổn định với chị là một cảm giác không có gì sánh được. “Bầu trời, mặt đất, tốc độ gió, sức khỏe mọi thứ đều khác trong mỗi lần nhảy. Nếu yêu bầu trời, bạn sẽ không muốn đứng dưới mặt đất nhìn lên những đám mây. Khi cánh cửa mở ra, bầu trời mở rộng trước mắt sẽ khiến chúng ta có một cảm xúc khác nhau. Trong đó là lẫn lộn giữa nhiều suy nghĩ tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước, tự hào, mong muốn vượt qua giới hạn của bản thân, mong muốn sẽ luôn chuẩn bị cho các tình huống nếu đất nước cần thì sẵn sàng chiến đấu”, chị Vũ Quỳnh Hương nói.

-Nhà báo Vũ Quỳnh Hương, sinh năm 1979, từng đạt danh hiệu Á khôi Vẻ đẹp học đường (Học sinh Sinh viên toàn quốc năm 2000).

-Hiện tại, chị đang là nhà báo tại báo Nông thôn Ngày nay, tác giả của loạt sách, thơ: "Nếu yêu thì phải nói", "Trái tim của sói", "Im lặng mà buông tay".

-Nhà báo Vũ Quỳnh Hương cũng đảm nhận vai trò Nhà thông thái của của chương trình Ai là triệu phú (VTV3).

-Chị là một VĐV đoạt trên 50 giải thưởng cá nhân, đồng đội cho các giải đấu trong nước về Tennis phong trào. Tại môn thể thao Pickleball, Vũ Quỳnh Hương có thành tích Vô địch đôi nữ Chuyên nghiệp 45+ (Giải Vô địch các CLB Quốc Gia) và là một HLV PPR có bề dày hoạt động.

Băng Tâm
Nguồn: sohuutritue.net.vn