Khảo sát của Sapo: Thanh toán điện tử chiếm 70% trong giao dịch bán lẻ
Thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ tác động của dịch Covid-19 thúc đẩy thương mại điện tử và hình thức thanh toán này, theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho biết.
Thanh toán điện tử được đẩy mạnh trong nhiều lĩnh vực
Tỷ lệ các hình thức thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ trong năm 2021. Nguồn số liệu biểu đồ: Sapo
Công ty công nghệ Sapo cho biết, theo số liệu từ 15.000 nhà bán lẻ là khách hàng của doanh nghiệp này cho thấy, quá trình chuyển đổi kinh tế số và tác động của đại dịch Covid-19 đã tạo bối cảnh thuận lợi cho các hình thức giao dịch không tiền mặt tăng trưởng.
Trong khi vài năm trước, giao dịch bán lẻ tại Việt Nam phần lớn sử dụng tiền mặt, thì Sapo cho biết năm 2021 giao dịch tiền mặt trong thương mại chỉ còn chiếm gần 30%. Còn lại 70% là các hình thức thanh toán điện tử khác.
Trong các hình thức thanh toán, Sapo cho biết chuyển khoản trở thành hình thức thanh toán phổ biến nhất chiếm đến 36,5%, sau đó đến thanh toán bằng tiền mặt (30%), thanh toán bằng ví điện tử chiếm gần 15%, quét mã QR code chiếm 9,6%, quẹt thẻ ngân hàng chiếm 8,5%, cổng thanh toán 0,5%.
Còn ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, đồng sáng lập ví điện tử MoMo, cho hay mặt tích cực của dịch bệnh trong 2 năm qua là góp phần đẩy mạnh lượng người dùng các hình thức thanh toán kỹ thuật số. Một mặt do giãn cách xã hội, mặt khác mọi người cũng dần e ngại sử dụng tiền mặt vì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nên người ta tìm đến các giải pháp thanh toán số…
Số liệu của MoMo cho thấy có sự dịch chuyển và gia tăng rõ rệt các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử này của người dùng. Bên cạnh đó số lượng các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh sử dụng ví điện tử cũng tăng mạnh. Ngay cả những người dùng và doanh nghiệp trước đây vẫn thoải mái với việc thanh toán bằng tiền mặt thì nay đã chuyển sang thanh toán bằng ví điện tử do tác động của dịch bệnh.
Tính đến giữa tháng 12-2021, ví điện tử MoMo đạt 31 triệu người dùng, tăng 11 triệu người dùng so với tháng 9-2020 (tăng 55%) và tăng 20 triệu so với năm 2019. Số điểm chấp nhận thanh toán ví điện tử đạt 140.000 điểm trên khắp cả nước, trải rộng nhiều lĩnh vực, tăng 20.000 điểm so với cuối năm 2020. Số đối tác kinh doanh đạt 50.000, tăng 10.000 đối tác so với tháng 9-2020 (tăng 33%). Nhờ gia tăng cả về số lượng người dùng, điểm chấp nhận thanh toán lẫn đối tác kinh doanh, ông Diệp cho hay doanh thu của MoMo năm 2021 ước tính tăng gần gấp đôi so với năm 2020.
Số liệu của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Mặc cho bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ghi nhận hệ thống của Napas có thời điểm xử lý lên đến 11 triệu giao dịch trong một ngày.
Tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống Napas trong năm 2021 tăng trưởng 94% về số lượng giao dịch và 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020. Đặc biệt, giao dịch rút tiền mặt ATM xử lý qua hệ thống Napas trong năm 2021 lần đầu tiên giảm -5% so với 2020…
Tháng cuối cùng của năm 2021, tuyến xe buýt đầu tiên tại Hà Nội và trên cả nước cho phép người tham gia phương tiện giao thông công cộng được sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán khi mua vé đi xe buýt lượt. Đây cũng là động thái đầu tiên nhằm đẩy mạnh thúc đẩy thanh toán điện tử trong vận tải hành khách công cộng tại Việt Nam.
Như vậy người đi xe buýt thay vì trả bằng tiền mặt, có thể dùng thẻ chip ngân hàng để chạm vào thiết bị chấp nhận thẻ thông minh trên xe buýt để mua vé lượt. Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas – đơn vị triển khai cung cấp dịch vụ này), cho biết thời gian đầu cung cấp dịch vụ, người đi xe buýt có thể sử dụng thẻ chip nội địa không tiếp xúc do các ngân hàng TPBank, BIDV, Agribank, SHB, Ngân hàng Bản Việt, Viet Bank và SeABank cung cấp để mua vé. Như vậy hiện mới chỉ có khoảng hơn 20 triệu thẻ chip nội địa do 7 ngân hàng này cung cấp có thể tham gia thanh toán điện tử khi đi xe buýt.
Hiện Napas đang nỗ lực đẩy mạnh để có thể kết nối, mở rộng để hơn 40 ngân hàng trên toàn quốc có thể tham gia cung cấp dịch vụ này trong thời gian tới.
Hiện người dùng dịch vụ của 7 ngân hàng trên cũng chỉ có thể thanh toán bằng thẻ chip khi sử dụng dịch vụ xe buýt điện của VinBus tại Hà Nội. Thời gian tới, Napas có thể mở rộng hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải giao thông đô thị khác như xe buýt, đường sắt trên cao… tại Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước để gia tăng tính tiện ích cho những người tham gia giao thông công cộng. Nỗ lực này nhằm tiến tới áp dụng thẻ thông minh hoặc thẻ chip ngân hàng cho tất cả các hình thức giao thông đô thị trên toàn quốc.
Được biết việc thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao thông công cộng được Ngân hàng Nhà nước giao cho Napas chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai. Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong giao thông công cộng là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch thúc đẩy thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Bán hàng trên các kênh trực tuyến tăng mạnh
Theo số liệu từ công ty công nghệ Sapo có được từ 15.000 nhà bán lẻ là khách hàng của doanh nghiệp này cho thấy, tác động lớn của dịch bệnh và giãn cách xã hội đã gây ra không ít khó khăn cho những doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trên toàn quốc. Có hơn 75% các doanh nghiệp cho biết doanh thu của họ không tăng trưởng so với năm 2020, trong đó có hơn 37% bị giảm sút doanh thu trên 30%. Tỷ lệ doanh nghiệp có sự tăng trưởng doanh thu chỉ chiếm gần 24%, thấp hơn so với năm 2020 (30,7%) và năm 2019 (61%).
Chỉ 7% doanh nghiêp và hộ kinh doanh cho biết họ không gặp ảnh hưởng hoặc có sự tăng trưởng kinh doanh ngay trong mùa dịch (chủ yếu thuộc nhóm ngành: tạp hóa – siêu thị mini, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, đồ mẹ và bé).
Năm 2021, ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú có sự suy giảm doanh thu lớn nhất. Gần 80% chủ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê cho biết họ không chỉ gặp tình trạng sụt giảm doanh thu, cắt giảm nhân viên mà nhiều nhà hàng phải đóng cửa, đóng chi nhánh, tạm ngừng kinh doanh vô thời hạn.
Mặt khác, nhóm nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử và các kênh trực tuyến vẫn dẫn đầu các nhóm ngành có sự tăng trưởng doanh thu ngay trong mùa giãn cách xã hội (chiếm 11,2%). Tuy tỉ trọng giảm sút so với năm 2020 (15%) nhưng sự duy trì vị thế dẫn đầu của bán hàng trực tuyến trong hai năm vừa qua cũng chứng tỏ ưu thế của hình thức kinh doanh này trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Để thích ứng với dịch bệnh, giải pháp được các đơn vị bán hàng ưu tiên lựa chọn trong năm 2021 là đẩy mạnh việc bán hàng trên các trang thương mại điện tử và nền tảng trực tuyến. Có đến gần 73% doanh nghiệp chuyển từ kinh doanh truyền thống lên trực tuyến (tăng 9% so với năm 2020). Việc chuyển kinh doanh qua mạng cũng giúp các doanh nghiệp bán lẻ, chủ cửa hàng cắt giảm chi phí cửa hàng và mặt bằng…
Vân Ly