Huawei sa thải hơn 2/3 lao động nghiên cứu tại Mỹ vì danh sách đen

Thứ tư, 24/07/2019, 10:33 AM

Hơn 2/3 trong tổng số 850 lao động thuộc cơ sở nghiên cứu của Huawei tại Mỹ đã phải dừng làm việc sau khi nhà sản xuất viễn thông Trung Quốc này bị đưa vào danh sách đen.

Được thành lập năm 2001, Futurewei năm ngoái có mức chi phí hoạt động là 510 triệu USD. Ảnh: Reuters

Được thành lập năm 2001, Futurewei năm ngoái có mức chi phí hoạt động là 510 triệu USD. Ảnh: Reuters

Gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc Huawei mới đây đã sa thải hơn 600 người lao động tại đơn vị nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ có tên Futurewei do tác động từ việc bị Washington đưa vào danh sách đen.

Đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn bắt đầu có hiệu lực từ thứ Hai tuần này được Huawei cho biết xuất phát từ hạn chế trong hoạt động kinh doanh do lệnh cấm của Mỹ, Financial Times đưa tin.

Lệnh cấm này đồng nghĩa với việc Futurewei không còn có thể chuyển những công nghệ có nguồn gốc của Mỹ trở lại cho Huawei, phá tan những mục tiêu ban đầu của đơn vị nghiên cứu này.

Ngoài ra, đợt sa thải này cũng đồng nghĩa với việc xóa bỏ các dự án về mã nguồn mở, dự án liên quan đến sản phẩm ngắn hạn của Huawei cũng như bất kỳ dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) nào về những công nghệ quan trọng khác, theo Reuters.

Theo dữ liệu từ Cục Sáng chế và Nhãn hiệu thương mại Mỹ, Futurewei sở hữu hơn 2.100 bằng sáng chế trong các lĩnh vực như viễn thông, mạng di động 5G, video và máy ảnh.

Việc sa thải nhân viên của Huawei cho thấy tác động rõ ràng của động thái đưa nhà sản xuất này vào danh sách đen.

Các nhà cung cấp đã vận động hành lang mạnh mẽ chống lại những hạn chế từ quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã gặp 7 nhà cung cấp Mỹ của Huawei, bao gồm nhà sản xuất chip Qualcomm và Micron cũng như Google.

Ông cho biết các đơn xin cấp giấy phép xuất khẩu sang Huawei sẽ được xử lý nhanh chóng.

Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, nhà vô địch quốc gia về công nghệ của Trung Quốc đã trở thành một trong những vấn đề lớn nhất đối với Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán với Washington.

Giữa tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei và 70 chi nhánh vào "Entity List" - danh sách những doanh nghiệp bị cấm mua linh kiện và công nghệ từ công ty Mỹ khi không có sự chấp thuận từ Chính phủ.

Việc Huawei bị đưa vào "danh sách đen" đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Mỹ phải có giấy phép đặc biệt mới được bán sản phẩm cho thương hiệu đến từ Trung Quốc này.

Năm ngoái, hành động tương tự của Mỹ đối với ZTE (một tập đoàn viễn thông khác cũng của Trung Quốc) đã khiến doanh nghiệp này suy sụp trước khi đạt được một thỏa thuận.

Hàng loạt cái tên lớn của ngành công nghệ thế giới đã tuyên bố dừng cung cấp cũng như hợp tác với Huawei sau đó, đẩy Huawei vào thế “thập diện mai phục”.

Hy vọng dần sáng sủa khi người đứng đầu Nhà Trắng trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 cho biết sẽ đảo ngược quyết định cấm, một lần nữa cho phép Huawei mua các sản phẩm từ công ty Mỹ.

Tuy nhiên, ông Trump cho biết sẽ không đưa Huawei ra khỏi danh sách những doanh nghiệp nước ngoài được xem là làm suy yếu an ninh nước Mỹ.

Hương Lan

Theo theleader.vn