Hơn một nửa nhà máy cá tra phải đóng cửa
Qua thời gian các địa phương ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, doanh nghiệp (DN) thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm”, hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu (XK) cá tra gặp rất nhiều khó khăn, hơn một nửa các nhà máy phải đóng cửa…
Từ cuối tháng 7/2021, dịch bệnh lan từ TP.HCM xuống ĐBSCL thì các DN ngành cá tra nhanh chóng hứng chịu tác động, có tới 50% DN tại một số địa phương vùng trọng điểm phải đóng cửa, cá tra tại ao quá cỡ.
Đúng thời điểm mà thị trường tiêu thụ đầu ra có nhiều khả quan, tích cực thì dịch COVID-19 lại ngăn cản kế hoạch nuôi, kinh doanh, XK của nhiều DN cá tra trong hai quý cuối năm.
Tại Đồng Tháp (địa phương có diện tích và sản lượng nuôi cá tra lớn nhất cả nước), giá cá tra nguyên liệu hiện ở mức 20.500-22.000 đồng/kg, trong khi chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu gần 22.500 đồng. Giá cá nguyên liệu giảm là do nhiều nhà máy chế biến hạn chế mua vào do giảm công suất hoặc tạm thời đóng cửa nghỉ do dịch bệnh.
Theo các DN cá tra, khó khăn lớn nhất của các nhà máy chế biến là thực hiện “3 tại chỗ” vì phát sinh quá nhiều chi phí, công và lương người lao động tăng, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa gặp nhiều khó khăn; người lao động không muốn làm theo phương án này…
Tại các địa phương khác như Cần Thơ, Vĩnh Long…, nguồn cung cá tra cho XK dồi dào nhưng nhà máy chế biến cũng ngưng hoạt động hoặc giảm công suất nên tạm ngưng mua nguyên liệu, khiến giá cá giảm. Đó cũng là nguyên nhân làm giảm diện tích nuôi cá tra thâm canh, dự báo xu hướng này vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới. Công suất hoạt động của toàn ngành cá tra hiện còn khoảng 10-20%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ quý II/2021, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường như Mỹ, Brazil, Mexico, Thái Lan, Canada, Colombia, Nga, UAE… bắt đầu tăng tích cực trở lại. Điều này tiếp thêm năng lượng và niềm hy vọng cho các DN cá tra ở ĐBSCL trong hai quý cuối năm.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã lan rộng trong thời gian ngắn. Mặc dù đã tính toán trước kịch bản sẵn sàng ứng phó trong tình huống này nhưng nhiều DN cá tra không tránh khỏi bị động và ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ khi DN chế biến cá tra khôi phục lại sản xuất, tăng công suất trở lại bình thường thì giá cá tra nguyên liệu mới có thể tăng.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, ưu tiên hàng đầu là công nhân phải được tiêm vắc xin COVID-19. Bên cạnh đó, với tình hình sản xuất kinh doanh đình đốn, các DN cần được hỗ trợ về tín dụng (tăng hạn mức, kéo dài thời gian), miễn giảm về thuế, phí… để “hà hơi tiếp sức” DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo VASEP, tháng 8/2021, XK thủy sản đạt khoảng 520 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Bức tranh tháng 9 vẫn ảm đạm. Trong đó, sản xuất và chế biến cá tra vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề, tình hình XK cá tra khó cải thiện trong tháng này.
Dự báo XK thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%, đạt khoảng 660 triệu USD.
Với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vắc xin, các công ty không phải sản xuất “3 tại chỗ”, XK thủy sản 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và cả năm có thể đạt khoảng 8,5-8,6 tỷ USD. Trong đó, XK tôm dự báo đạt khoảng 3,9-4 tỷ USD; cá tra khoảng 1,5 tỷ USD; hải sản khoảng 3,1 tỷ USD.
Cảnh Kỳ
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở