Mỹ nới rộng đường xuất khẩu cá tra từ Việt Nam
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu (XK) sang Mỹ. Động thái này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp cá tra Việt Nam gia tăng XK cá tra sang Mỹ cũng như nhiều thị trường khắt khe khác.
Dù đón nhận không ít thông tin khả quan khi XK sang thị trường quan trọng là Mỹ, tuy nhiên, để bảo đảm XK ổn định, bền vững sang Mỹ hay nhiều thị trường khó tính khác, ngành cá tra Việt còn không ít việc phải làm.
Cạnh tranh khốc liệt
Thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong năm 2018, Việt Nam đã sản xuất 1,42 triệu tấn cá tra, đứng đầu thế giới về sản lượng cá tra cung ứng cho thị trường toàn cầu. Trong khi đó, các quốc gia khác cũng đang đẩy mạnh sản xuất cá tra, tiến tới cạnh tranh với Việt Nam, chẳng hạn như: Ấn Độ đạt sản lượng 590.000 tấn; Bangladesh 524.000 tấn; Indonesia 485.000 tấn...
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sản lượng cá tra của Ấn Độ sẽ còn tiếp tục tăng lên khoảng 8% so với hiện nay, ước đạt 630.000 tấn vào năm 2020; trong khi đó, sản lượng cá tra của Indonesia sẽ tăng lên 16%, ước đạt 562.000 tấn vào năm 2020...
Mặc dù sản lượng của các nước trên chưa ở mức quá nguy hiểm với ngành cá tra nước ta nhưng theo VASEP chúng ta cũng không được quá chủ quan, bởi trong vòng 5 năm tới ngành cá tra Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia khác. Ví dụ như Ấn Độ mặc dù mới chỉ được tiêu thụ nội địa, nhưng quốc gia này cũng đang định hướng xây dựng ngành cá tra hướng đến xuất khẩu, tương tự như đã làm đối với ngành tôm Ấn Độ 10 năm trước đây.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, các doanh nghiệp (DN) cá tra Việt Nam ngày càng tập trung vào 4 thị trường trọng điểm, tỷ trọng gia tăng từ 53% lên 67% (năm 2018), bao gồm: Mỹ (tỷ lệ 24%, với 549 triệu USD); EU (10%, với 244 triệu USD); Trung Quốc (23%, với 529 triệu USD) và ASEAN (9%, với 203 triệu USD). Trong đó, riêng thị trường Mỹ, ngành cá tra Việt Nam gặp không ít rào cản, chẳng hạn như từ 2006 tới nay, đã có tới 14 đợt rà soát hành chính hằng năm (POR) và 1 lần rà soát hoàng hôn. Ngoài ra, với chương trình thanh tra cá da trơn, theo chương trình đánh giá tương đương thì hiện chỉ có 13 DN đủ điều kiện XK sang Mỹ nhưng do thuế chống bán phá giá (CBPG) cao nên chỉ có 2-3 DN đang xuất khẩu được.
Cụ thể, trong 13 DN chế biến và xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ, chỉ có hai DN là CTCP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) và Công ty Biển Đông (Cần Thơ) có thể đáp ứng các tiêu chí của Đạo luật Farm Bill 2014. Nhờ vậy, hai DN này đưa con cá tra Việt Nam vượt ải vào thị trường Mỹ với mức thuế chống bán phá giá bằng 0%. Còn 11 DN khác luôn phải gửi hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp Mỹ xem xét với mức thuế thấp nhất khi tiến vào thị trường này. Tuy nhiên, mới đây DOC cũng bổ sung 2 DN sẽ được xem xét áp dụng mức thuế suất là 0 USD/kg dự kiến trong tháng 11/2019 là CTCP Thủy sản NTSF và CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ.
“Toàn ngành vẫn phải có thêm nhiều nỗ lực để có thể vươn ra thị trường thế giới trong thời gian tới. Cụ thể, ngành cá tra Việt Nam nói chung và các DN XK cá tra vào Mỹ vẫn phải đối diện với đợt xem xét thuế chống bán phá giá lần thứ 16. Đây cũng là lần cuối cùng cho giai đoạn từ 1/8/2018 đến 31/7/2019. Trong lần xem xét tiếp theo, Việt Nam còn 9 DN chế biến và xuất khẩu cá tra vẫn còn nhiều khâu chuẩn bị mới đủ khả năng cạnh tranh khi bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ; đồng thời, mới đủ lực lấy thị trường Mỹ làm bàn đạp để vươn ra thị trường thế giới” - ông Nam nói.
Đa dạng hóa các sản phẩm
Theo các chuyên gia thủy sản, không chỉ riêng thị trường Mỹ, các thị trường khó tính khác như châu Âu, Nhật Bản... cũng sẽ càng đưa ra nhiều tiêu chí hơn để lựa chọn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng của quốc gia mình. Vì vậy, nếu đón đầu tiêu chí này, sẽ là một lợi thế cho ngành cá tra Việt Nam.
Thống kê của VASEP cho thấy, hiện nay, nhiều thị trường đã dần chuyển sang ưa chuộng cá tra phi lê hữu cơ như Mỹ, Đức, Nhật Bản. Chẳng hạn, tại Đức - thị trường XK cá tra đứng thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu. Trong 9 tháng năm 2019, có hơn 15 DN Việt Nam xuất khẩu cá tra chế biến sang thị trường này, đạt kim ngạch gần 21 triệu USD, tăng gần 36% so với cùng kỳ năm 2018. Các sản phẩm chủ yếu được lựa chọn là phi lê cá tra organic đông lạnh, cá tra cắt khúc, da cá tra đông lạnh.
“Các sản phẩm cá tra organic được bán tại Đức với giá từ 9,6-9,78 USD/kg, nhưng người tiêu dùng vẫn ưu tiên lựa chọn. Đây là một tín hiệu mừng để các DN cá tra Việt cân nhắc theo phân phúc này. Một khi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam đều thống nhất chiến lược chuyển sang sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cá tra sạch, đây chính là một cách quảng bá hữu hiệu cho ngành cá tra Việt Nam trước người tiêu dùng thế giới...” - ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, gợi ý.
Trên thực tế, lựa chọn đánh mạnh vào các sản phẩm cá tra organic cũng đã được nhiều DN cá tra xuất khẩu Việt Nam ưu tiên. Tại Công ty TNHH Biển Đông - một trong hai DN đang XK mặt hàng cá tra mạnh nhất vào thị trường Mỹ - từ lâu đã hình thành vùng nuôi cá tra sạch dọc theo sông Hậu. Anh Nguyễn Đức Trung, Trưởng phòng Chất lượng của Công ty Biển Đông, cho biết, vùng nuôi cá tra của công ty được áp dụng quy trình kỹ thuật có ghi chép sổ tay. Từ chương trình quản lý giống, quản lý nước cấp - ao nuôi - nước thải - nước thủy vực, chương trình quản lý thức ăn và chăm sóc, chương trình quản lý dịch bệnh đến an ninh sinh học, quy trình ngăn ngừa nhiễm chéo và chương trình thu hoạch, quản lý sau thu hoạch...
“Thực tế khảo sát, kiểm tra từ vùng nuôi cá vừa qua, Công ty Biển Đông đã chứng minh vùng ao nuôi đạt tiêu chuẩn và được đánh giá có sự tương đồng với Mỹ” - anh Trung nói.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới cũng là mục tiêu lớn đối với các DN XK cá tra Việt Nam.
Về vấn đề này, ông Doãn Chí Thiên, thành viên HĐQT CTCP Nam Việt (An Giang) chia sẻ: “Công ty Nam Việt đã có 5 phân khúc sản phẩm cá tra chế biến; trong đó có phân khúc sản phẩm collagen chiết xuất từ da cá tra và mỗi phân khúc công ty đều có kế hoạch đầu tư từ con giống, vùng nuôi, sản xuất đến chuỗi cung ứng cuối cùng. Với chuỗi phân khúc này, Nam Việt liên kết với người nuôi cá tra để hướng dẫn người sản xuất kỹ thuật tạo ra con cá tra sạch, đáp ứng cho hướng phát triển của Nam Việt nói riêng và xu hướng sử dụng cá tra sạch của người tiêu dùng thế giới trong thời gian tới nói chung...”.
Thống kê của VASEP cho thấy, hiện nay, nhiều thị trường đã dần chuyển sang ưa chuộng cá tra phi lê hữu cơ như Mỹ, Đức, Nhật Bản. Chẳng hạn, tại Đức - thị trường XK cá tra đứng thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu. Trong 9 tháng năm 2019, có hơn 15 DN Việt Nam xuất khẩu cá tra chế biến sang thị trường này, đạt kim ngạch gần 21 triệu USD, tăng gần 36% so với cùng kỳ năm 2018.
AN NHIÊN
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường