Hơn 68% trẻ em Việt Nam từng chịu hình phạt từ gia đình

Thứ năm, 16/08/2018, 14:03 PM

Theo chuyên gia Steven Foster, bạo lực trẻ có thể khiến phụ huynh hài lòng vì tiết kiệm được thời gian dạy con, nhưng lại gây hậu quả lớn về phát triển não bộ, tính cách.

Qua chuỗi tọa đàm, giảng dạy về kỷ luật tích cực tại Việt Nam do trường quốc tế Gateway và trường mầm non Sakura Montessori phối hợp tổ chức mới đây, chuyên gia giáo dục quốc tế Steven Foster cho rằng ông mong muốn góp một phần tiếng nói cảnh tỉnh tới các bậc phụ huynh Việt.

Theo ông, những người có hành vi lạm dụng trẻ em đều thực sự yêu con nhưng họ không có kiến thức, kỹ năng để yêu thương đúng cách.

Kỷ luật là trừng phạt?

Nói về thực tế giáo dục trong gia đình, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh Xã hội - cho biết trên thế giới có khoảng 300 triệu trẻ em từ 2 đến 4 tuổi thường xuyên bị cha mẹ áp dụng các hình thức kỷ luật về thể chất hoặc tâm lý. Khoảng 1,1 tỷ người chăm sóc trẻ cho rằng trừng phạt về thể chất là phương pháp cần thiết để giáo dục trẻ.

Còn tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từ 1 đến 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt về thể chất hoặc tinh thần từ các thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, những con số trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng, thực trạng bạo hành trẻ xuất phát từ các hành vi kỷ luật thô bạo vẫn diễn ra âm thầm trong nhiều gia đình. Những tổn thương về mặt thể chất, tinh thần của trẻ đang bị bỏ ngỏ. Câu chuyện về sự mâu thuẫn trong phương pháp giáo dục con đã khiến nhiều cha mẹ rơi vào bế tắc.

 Ông Đặng Hoa Nam (bên phải) và chuyên gia Steven Foster trò chuyện cùng phụ huynh. Ảnh: Q.Q.

Ông Đặng Hoa Nam (bên phải) và chuyên gia Steven Foster trò chuyện cùng phụ huynh. Ảnh: Q.Q.

Trong buổi giảng dạy về kỷ luật tích cực cho 50 phụ huynh tại Việt Nam, chuyên gia Steven Foster - người có 20 năm kinh nghiệm đào tạo kỷ luật tích cực và giáo dục sớm tại Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới - cho rằng giáo viên và phụ huynh cần được học cách để biết đâu là giới hạn của kỷ luật. Kỷ luật hướng về giảng dạy. Bạo lực hướng về kiểm soát.

Kỷ luật tích cực cần dựa trên nền tảng của sự tôn trọng, thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái. Ở đó, phụ huynh cần sử dụng cả tình yêu thương và sự kiên định cùng một lúc.

“Bố mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng để yêu con đúng cách cần phải học”, chuyên gia Steven khẳng định.

Ông Steven chia sẻ khi phát cho phụ huynh một mẩu giấy và yêu cầu trả lời “Kỷ luật là gì?”, 60% câu trả lời liên quan sự trừng phạt.

Chuyên gia này lý giải kỷ luật trong tiếng Anh xuất phát từ gốc La tinh, có nghĩa là giảng và dạy. Trong đó, kỷ luật tích cực là phương pháp mang tính dài hạn.

Phần lớn chúng ta lớn lên và trưởng thành từng bị bố mẹ đánh, mắng chửi, thậm chí như cơm bữa. Tuy nhiên, thực tế, con sẽ không học được những kỹ năng dài hạn từ đòn roi bởi nó có hiệu quả tức thì nhưng khiến trẻ sợ hãi. Trong khi đó, điều kỳ vọng là con cần một số kỹ năng nhất định. Trẻ làm điều đúng đắn ngay cả khi không có ai nhìn ngó, phán xét. 

Ngoài ra, việc bạo hành về thể xác gây hậu quả khôn lường cho trẻ về cách não bộ vận hành. Những đứa trẻ có tiền sử bị bạo hành trong thời gian nhất định, chúng chủ yếu sử dụng phần não để sinh tồn thay vì để lý trí, suy nghĩ.

Cha mẹ nên làm gì khi nóng giận?

Theo chuyên gia Steven Foster, cha mẹ cũng là con người, khi tức giận, phần não "gây tức giận" hoạt động nhưng phần não lý trí lại tự động... không làm việc. Vì vậy, để ngăn việc có thể "xả" vào con ngay thời điểm chúng mắc lỗi, phụ huynh hãy hít thở thật sâu. Đồng thời, cha mẹ nên nói với con hãy giải quyết vấn đề này khi cả hai đều bình tĩnh hơn.

"Con người ở khắp mọi nơi, khắp nền văn hóa trên thế giới, đều phải vật lộn với cơn nóng giận của mình", ông Steven Foster nói thêm.

Ngoài ra, để thành công trong việc chia sẻ cùng con, cha mẹ nên thành lập "mối quan hệ song phương", tôn trọng nhưng không đồng nghĩa việc đội con lên đầu.

Cách thứ hai là phụ huynh không thưởng cũng không phạt mà để con được đóng góp, trẻ cảm thấy mình có năng lực, khả năng.

Cuối cùng, cha mẹ hãy xin lỗi trẻ khi mắc sai lầm. Xin lỗi là giáo án trong buổi dạy làm cha mẹ đầu tiên của ông Steven Foster.

Ông cho hay một định nghĩa cần được ghi nhớ trong kỷ luật tích cực đó là trẻ sẽ luôn có hành động tốt hơn khi cảm thấy tốt hơn. Trẻ tốt hơn khi cảm thấy được khích lệ, nhưng không có nghĩa muốn gì được đó. Với kỷ luật tích cực, phụ huynh cần học tập cách “vừa kiên định vừa mệt mỏi cùng một lúc”.

Quyên Quyên

Zing