Giáo viên nhận xét: Đề Giáo dục công dân hay, nhưng khó có điểm 10
Theo nhận xét của nhiều giáo viên, đề thi Giáo dục công dân trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 không chỉ hay mà còn có độ phân hóa cao.
Sáng 27.6, gần 450.000 thí sinh thi bài tổ hợp Khoa học xã hội, bài thi cuối cùng trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Bài thi tổ hợp Khoa học xã hội gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, mỗi môn thi trong 50 phút.
Thí sinh rời phòng thi với gương mặt rạng rỡ vì đã hoàn thành tốt bài thi, đặc biệt đây là môn thi cuối cùng trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Không chỉ thí sinh và giáo viên cũng rất ấn tượng với đề thi Giáo dục công dân năm nay, vì có nhiều câu hỏi hay, bám sát các vấn đề thời sự, được xã hội quan tâm trong thời gian qua.
Khó có điểm 10
"Để làm được đề năm nay, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa, có thể đạt được trung bình khá, nhưng để điểm giỏi thì đòi hỏi học sinh phải có sự vận dụng kiến thức xã hội, hiểu và nắm vững, mở rộng kiến thức xã hội"- đây là nhận xét của cô Nguyễn Thị Mai Anh (giáo viên Trường THPT Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) về đề thi môn Giáo dục công dân, kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Cô Mai Anh cho rằng đề thi năm nay so với năm trước mức độ phân hoá cao và khó hơn.
Cấu trúc đề năm nay bám sát với đề tham khảo mà Bộ đã công bố, các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng cao.
Tuy nhiên, đề thi năm nay ngoài nội dung chương trình 12 có thêm chương trình lớp 11 (phần thứ nhất chương trình lớp 11). Trong đó nội dung chủ yếu là lớp 12 (chiếm 80%, lớp 11 chiếm 20%).
Cũng theo cô Mai Anh, đề năm nay đáp ứng hai mục tiêu (xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng). Đề không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ máy móc kiến thức phải có sự vận dụng, liên hệ, gắn liền với vấn đề cuộc sống.
"Phổ điểm trung bình năm nay theo tôi sẽ từ 6 đến 7 điểm, điểm tối đa rất hạn chế vì mức độ vận dụng cao chiếm 30% câu hỏi đề thi"- cô Mai Anh chia sẻ.
Còn theo cô Vũ Thị Thu Thuỷ - Tổ trưởng chuyên môn, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội, với đề Giáo dục công dân năm nay học sinh sẽ dễ dàng đạt từ 5-6, nhưng đạt được điểm 9-10 đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu, rộng và có kiến thức thực tiễn.
"Cái hay của đề năm nay là đã ra nhiều câu hỏi vận dụng, điều này giúp học sinh hiểu biết sâu hơn, rộng hơn về kiến thức pháp luật. Theo tôi, học sinh để đạt được điểm 7-8 sẽ không khó"- cô Thu Thủy cho biết.
Đề hay, nhiều vấn đề thực tế
Theo nhận định của giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI, đề thi Giáo dục công dân năm nay tương đối hay, có nhiều câu hỏi vận dụng tình huống thực tế.
Các vấn đề mang tính thời sự như: Truyền đạo trái phép (câu 106 – mã đề 307), cá độ bóng đá (câu 110 – mã đề 304), mặt trái của mạng xã hội (câu 109 – mã 312) được đưa vào đề thi.
Cũng giống như các môn học khác, năm nay là năm đầu tiên có sự xuất hiện nội dung của chương trình Giáo dục công dân lớp 11 trong đề thi THPT quốc gia. Tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 là 20%, tập trung chủ yếu vào chuyên đề Công dân với Kinh tế.
Đề thi vẫn sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó nhưng ở mức tương đối. Các câu hỏi cực khó bắt đầu từ câu 109 đến 120. Trong số các câu hỏi thực tế này có đến 1/2 số câu hỏi ở mức độ dễ, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt được 5-6 điểm.
Đặng Chung
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Sở GD&ĐT TP.HCM phản hồi về chất lượng bữa ăn bán trú
-
Đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo: Chỉ nên ưu tiên cho người khó!
-
Sắp diễn ra kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024 - 2025
-
Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động trường quốc tế Mỹ Việt Nam
-
Học sinh lớp 8 bị nhóm bạn cùng trường đánh hội đồng dã man