Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Hơn 100 tỷ USD tiền ảo của người Việt ‘trôi nổi’, chuyên gia hiến kế đánh thuế như chứng khoán

Thứ ba, 01/04/2025 11:22 (GMT+7)

Với hơn 17 triệu người dùng và giá trị thị trường vượt 100 tỷ USD, tiền mã hóa đang âm thầm trở thành một “dòng chảy ngầm” trong nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang từng bước tiếp cận cuộc chơi toàn cầu này bằng kế hoạch thí điểm thị trường tài sản mã hóa. Theo chuyên gia, không chỉ nhằm kiểm soát rủi ro, hướng đi mới còn mở ra cơ hội thu thuế hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ tiếp cận và quan tâm tới tiền mã hóa cao nhất thế giới. Theo báo cáo từ Chainalysis, Việt Nam đứng thứ năm toàn cầu về mức độ quan tâm tới tiền mã hóa và xếp thứ ba về mức độ sử dụng các nền tảng giao dịch quốc tế. Hiện có khoảng 17 triệu người Việt sở hữu tiền mã hóa, với tổng giá trị thị trường vượt 100 tỷ USD.

Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng Nghị quyết về việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam, nhằm xây dựng môi trường pháp lý hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo liên quan đến tài sản mã hóa, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực đến nền kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, ngày 11/3 vừa qua, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 64/TTr-BTC trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa.

Đánh thuế tiền ảo có thể giúp Việt Nam thu hàng trăm triệu USD mỗi năm. Ảnh minh họa

Có thể thấy, Việt Nam đang tiến gần hơn tới việc hợp pháp hóa các giao dịch tiền mã hóa. Theo các chuyên gia, bước quan trọng này không chỉ đem đến khung pháp lý rõ ràng cho thị trường, mà còn mở ra cơ hội để tăng nguồn thu từ việc đánh thuế tiền ảo.

Tiến sĩ Chu Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam mới đây đã đưa ra nhận định, nếu áp dụng một cơ chế thuế hợp lý, Việt Nam có thể tạo nguồn thu ngân sách đáng kể từ thị trường tiền mã hoá.

Cụ thể, nếu tiếp cận theo hướng đánh thuế giao dịch ở mức thấp, tương tự như thuế giao dịch chứng khoán, việc áp thuế 0,1% trên mỗi giao dịch tiền mã hóa có thể mang lại hơn 800 triệu USD mỗi năm, theo ước tính của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA).

Bên cạnh thuế giao dịch, Chính phủ còn có thể cân nhắc đánh thuế tiền ảo như thuế thu nhập cá nhân đối với lợi nhuận từ đầu tư tiền mã hóa, hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Nếu tiền mã hóa được phân loại là tài sản đầu tư thì lợi nhuận từ giao dịch có thể bị đánh thuế tương tự như với chứng khoán hoặc bất động sản. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành tiền mã hóa cũng có thể chịu thuế với mức 20% như các doanh nghiệp truyền thống.

Một nguồn thu tiềm năng khác cho Chính phủ là phí cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch tiền mã hóa. Theo TS Chu Thanh Tuấn, nhiều quốc gia đã triển khai mô hình này, chẳng hạn như Dubai, nơi các dự án tiền mã hóa phải đóng phí cấp phép. Nếu Việt Nam áp dụng hệ thống tương tự, Chính phủ có thể vừa kiểm soát thị trường vừa tạo ra nguồn thu không đến từ thuế.

Tại hội thảo quản lý, vận hành tài sản mã hóa tập trung tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Trần Huyền Dinh, chủ nhiệm Ủy ban ứng dụng Fintech, VBA, nhận định việc lập sàn giao dịch tài sản ảo tập trung sẽ giúp từng bước nhận diện nền kinh tế ngầm, phân biệt đâu là tiền sạch, tiền bẩn. Bên cạnh đó, kéo nhà đầu tư Việt Nam quay lại thị trường trong nước, thu hút nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam.

Hơn nữa, việc thí điểm lập sàn giao dịch tài sản ảo sẽ giúp người dân mở rộng kênh đầu tư tài sản mới, doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ, rủi ro pháp lý, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, cơ quan quản lý sẽ thúc đẩy được phát triển kinh tế số, từng bước ngăn chặn dòng tiền bất hợp pháp, thu thuế hiệu quả hơn với thị trường tài sản mã hóa.

Hợp pháp hóa và điều chỉnh giao dịch tiền mã hóa là bước quan trọng giúp Việt Nam khai thác tối đa lợi ích kinh tế từ lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sách thuế phải được thiết kế cẩn thận để tránh tạo ra rào cản đầu tư hoặc tạo ra lỗ hổng khiến rò rỉ dòng vốn.

“Nếu thiết lập được một hệ thống thuế đơn giản, cạnh tranh và cân bằng, Việt Nam có thể vừa tạo được nguồn thu đáng kể từ tiền mã hóa, vừa thúc đẩy sự phát triển của một hệ sinh thái tài sản số bền vững”, TS Chu Thanh Tuấn khẳng định.

Kiều Anh
Nguồn: sohuutritue.net.vn