Hơn 100 doanh nghiệp huyện Sóc Sơn - Hà Nội: Đi quá dở, ở không xong
Trong tình thế thiếu mặt bằng, không ít doanh nghiệp phải tranh thủ thuê cả đất nông nghiệp để rồi liên tục bị xử phạt. Hơn 100 doanh nghiệp ở xã Phú Minh, Sóc Sơn-Hà Nội phải đồng loạt kiến nghị khẩn cấp xin hoãn xử lý, di dời.
Bí bức, sử dụng đất sai mục đích
Ngày 25/11, đại diện hơn 100 DN ở xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn-Hà Nội đồng loạt ký đơn kiến nghị khẩn cấp đề nghị tạm dừng xử lý trật tự xây dựng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh của họ tại xã này.
Đây là những cơ sở sản xuất, kinh doanh đã hoạt động tại khu vực trên từ những năm 2002. Thời kỳ ban đầu, các DN này chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ còn yếu kém, khó khăn nên thuê đất (phần lớn là đất phi nông nghiệp, đất công và một phần đất nông nghiệp nhưng đất xấu, hầu như không được sử dụng để trồng cấy) ở khu vực trên. Tuy nhiên, do khu vực được thuê này lại gần sân bay quốc tế Nội Bài nên dần dần, các DN này phát triển khá nhanh, chủ yếu về các ngành nghề dịch vụ thương mại, logicstic...
Theo phản ánh của các DN, cho đến gần đây, khi kiểm tra, thanh tra tại việc sử dụng đất tại khu vực này, chính quyền huyện Sóc Sơn cho rằng, các DN trên đã vi phạm khi đầu tư các công trình, nhà xưởng trên phạm vi đất không được phép xây dựng nên đã liên tiếp ra quyết định xử phạt, bắt buộc các DN này dỡ bỏ nhà xưởng, cơ sở sản xuất để trả lại mặt bằng.
Mặc dù việc chính quyền làm, theo các DN là không sai và chính các DN cũng thừa nhận việc đặt cơ sở sản xuất tại đây là chưa đúng theo quy định nhà nước. Thậm chí các DN này khẳng định việc đa số các DN sử dụng đất hiện nay là "sai mục đích", yêu cầu tháo dỡ nhà xưởng xây dựng vi phạm là đúng. Nhưng việc đột ngột ra quyết định xử phạt, bắt buộc di dời các nhà xưởng, dây chuyền sản xuất khiến các DN trở tay không kịp và có thể khiến nhiều DN lâm vào tình trạng đình đốn sản xuất, thua lỗ, thậm chí phá sản.
Nên có bước đi phù hợp
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Quốc Khánh, Phó chủ tịch Hội DN xã Phú Minh, cũng giống như nhiều DN ở đây, Công ty ông mở cơ sở sản xuất (gia công cơ khí, xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp) tại vùng đất này từ tháng 3/2006, đã ký hợp đồng thuê khu đất bỏ hoang và được chính quyền xã đồng ý.
"Thời gian kinh doanh ở đây, chúng tôi cũng như phần lớn các DN ở đây đều chấp hành đầy đủ chính sách, quy định chung, đóng tiền thuế đất đầy đủ và đang trong quá trình phát triển tốt. Bây giờ cũng gần thời điểm Tết nguyên đán, chúng tôi đang cần hoàn thành các đơn hàng, hoàn thành mục tiêu doanh thu năm mà một lúc dỡ bỏ, bắt buộc phải di dời nhà, xưởng, dây chuyền...thì quá bí bách cho chúng tôi. Mọi hoạt động sẽ đình trệ hết lại, chúng tôi lâm vào tình trạng rất khó khăn", ông Khánh nói.
Theo các số liệu của Hội DN Phú Minh cung cấp, qui mô hoạt động của hơn 100 DN tại đây hiện cũng rất đáng kể với tổng doanh thu năm 2016 đã đạt tới trên 10 ngàn tỷ đồng, số lao động đang sử dụng cũng lên tới trên 8.280 người. Số thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước của cụm DN năm trước cũng lên tới trên 200 tỷ đồng.
Theo các DN tại đây, thực tế hiện nay, văn phòng, cơ sở các DN này chủ yếu là nhà cấp 4, nhà khung lắp ghép mà không có DN nào xây nhà kiên cố trên 2 tầng. Các DN này từ trước đến nay đang xúc tiến làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng luật nhưng chủ yếu vướng mắc về quy hoạch nên hầu hết các DN này chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Giải pháp nào?
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Khánh, hiện nay, các DN ở khu vực này đều hiểu thực tế, thừa nhận những yêu cầu của chính quyền là đúng nhưng việc ngay lập tức di dời, đóng cửa cơ sở sản xuất sẽ gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho các DN này vì làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh khi Tết đã cận kề, hàng ngàn lao động sẽ thất nghiệp.
"Chúng tôi kiến nghị tạm dừng việc xử lý vì hiện nay Thanh tra Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội đã về làm việc và tìm cách cùng chính quyền xã, huyện tháo gỡ khó khăn cho DN. Thời điểm này chúng tôi cũng cần đảm bảo việc làm, cuộc sống cho hơn 8000 lao động, không dễ gì sa thải họ", ông Khánh nói.
Các DN này cũng đồng thời kiến nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép các DN tạm thời sử dụng nguyên trạng cơ sở sản xuất, nhà xưởng và UBND huyện Sóc Sơn, Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội sẽ hướng dẫn các DN làm thủ tục sử dụng đất tạm thời để ký hợp đồng thuê đất hàng năm theo đúng quy định.
"Chúng tôi sẵn sàng ký cam kết khi nào Nhà nước có dự án, có nhu cầu sử dụng khu vực đất này thì DN sẽ tự nguyên tháo dỡ, không đòi hỏi đền bù bất cứ chi phí xây dựng nào. Khi có quy hoạch chi tiết, nếu các vị trí đất nào không vi phạm quy hoạch thì cho phép DN là thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng quy hoạch", ông Khánh, đại diện cho nhóm DN ở đây nói thêm.
Theo Hà Anh-Dân Trí