Hàng ngàn giáo viên lo mất việc
Chủ trương của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo là không cắt hợp đồng máy móc nhưng một số địa phương vẫn cứ thế thực hiện khiến hàng ngàn giáo viên có nguy cơ mất việc trước thềm năm học mới
Những ngày qua, 278 giáo viên ở huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội đứng ngồi không yên vì có nguy cơ mất việc khi năm học mới đã cận kề.
Trước đó, ngày 19/7, UBND huyện Thanh Oai đã ban hành văn bản với nội dung chấm dứt hợp đồng từ ngày 1/9 đối với số giáo viên này đang giảng dạy theo hợp đồng ở các trường. Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai, văn bản này được ban hành trên tinh thần thực hiện một số nội dung tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP. Ông Nguyễn Tuệ Sơn, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Thanh Oai, cho rằng nếu không thực hiện theo chỉ đạo thì sẽ bị xử lý nên huyện sẽ kiên quyết cắt hợp đồng.
Nguy cơ thất nghiệp ngay trước thềm năm học mới gây hoang mang cho các giáo viên ở huyện Thanh Oai, trong đó có những người gần 20 năm cống hiến. Ngày 15/8, học sinh THCS đã bắt đầu đi học nhưng một nữ giáo viên hợp đồng của Trường THCS Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) vẫn chưa biết mình có được tiếp tục đứng lớp hay không. Một thầy giáo khác của trường lo lắng: "Sau Văn bản số 1020/UBND-NV mà UBND huyện Thanh Oai gửi về, đến thời điểm này, UBND huyện vẫn chưa chính thức lên tiếng về việc đột ngột cắt hợp đồng của chúng tôi. Học sinh đã bước vào năm học mới mà chúng tôi không biết số phận mình sẽ ra sao thì làm sao có thể yên tâm làm việc".
Trước lo lắng của giáo viên, ông Nguyễn Tuệ Sơn nói rằng số giáo viên hợp đồng sẽ chờ TP duyệt kế hoạch cũng như tổ chức thi chung. Nhu cầu của UBND huyện Thanh Oai cho đến thời điểm này chỉ là 110-120 giáo viên.
Cũng giống như tại huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội, hàng ngàn giáo viên hợp đồng ở Cà Mau, Đắk Lắk cùng một số tỉnh cũng đang rất lo lắng mất việc. Kéo dài từ tháng 3 đến tận giữa tháng 8/2018, sau 5 tháng tạm dừng để "tìm giải pháp nhân văn hơn", UBND tỉnh Ðắk Lắk vừa quyết định sẽ chấm dứt hợp đồng với hơn 550 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk. Như vậy đến hết tháng 10/2018, số giáo viên này buộc phải rời bục giảng.
Còn tại buổi họp báo cuối tháng 7/2018, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Cà Mau cũng chính thức thông báo sẽ cắt hợp đồng với hơn 1.400 giáo viên trên địa bàn tỉnh trước ngày 1/9. Lý do cắt hợp đồng là do số lượng giáo viên này được các địa phương, các trường tự ý hợp đồng mà chưa có chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
Gần như ở khắp các tỉnh, thành, các giáo viên diện hợp đồng đều có nỗi lo tương tự. Trước tình hình này, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 được Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo việc cắt giảm biên chế giáo viên không được thực hiện máy móc mà phải căn cứ thực tế; cắt ở nơi thừa và tuyển thêm giáo viên cho nơi thiếu.
Thực hiện theo chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành không cắt giảm cơ học chỉ tiêu biên chế giao hằng năm để thực hiện tinh giản biên chế. Theo ông Độ, các địa phương cần làm tốt việc đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo chuẩn nghề nghiệp và đánh giá kết quả làm việc của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hằng năm để sàng lọc, phân loại làm căn cứ tinh giản biên chế.
Ngoài ra, khi tinh giản biên chế phải gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên đối với mỗi cấp học phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại hệ thống, quy mô trường, lớp học của địa phương.
Yến Anh
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Sở GD&ĐT TP.HCM phản hồi về chất lượng bữa ăn bán trú
-
Đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo: Chỉ nên ưu tiên cho người khó!
-
Sắp diễn ra kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024 - 2025
-
Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động trường quốc tế Mỹ Việt Nam
-
Học sinh lớp 8 bị nhóm bạn cùng trường đánh hội đồng dã man