Hàng loạt băng nhóm tín dụng đen sa lưới
Hàng loạt băng nhóm cho vay nặng lãi bị bắt, khởi tố nhưng hoạt động tín dụng đen vẫn ngấm ngầm tác oai tác quái
Công an TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tháng đối với Lê Hải Nam (28 tuổi, ngụ TP Hà Nội) và Lưu Văn Thiện (29 tuổi, ngụ tỉnh Thái Bình) để phục vụ điều tra về tội "Cho vay nặng lãi".
Nhiều băng nhóm sa lưới
Trong băng nhóm mà Công an TP Đà Lạt khởi tố còn có một đối tượng là Phạm Hữu Tiền (23 tuổi, ngụ TP Hải Phòng), Nam và Thiện khai là đã chết tại Hà Nội do sốc ma túy.
Theo Công an TP Đà Lạt, tháng 12-2017, nhóm này vào Đà Lạt lập Công ty TNHH Dịch vụ 779 do Lê Hải Nam làm giám đốc, kinh doanh lĩnh vực tư vấn tài chính, bất động sản, cho thuê xe tự lái. Tuy nhiên, thực chất đây là vỏ bọc để các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi. Nhóm này đã tự in hàng ngàn tờ rơi với nội dung cho vay nhanh không cần thế chấp rồi đem dán khắp các trụ điện, nơi công cộng trên địa bàn. Khi "con mồi" cắn câu, nhóm này thu lãi suất đến hơn 438%/năm nên nhiều người tán gia bại sản.
Trước đó, Công an tỉnh Lâm Đồng cũng bắt Trần Văn Tuấn (25 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Phúc) là đối tượng truy nã liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi tại cơ sở dịch vụ cầm đồ và cho vay 68 (TP Đà Lạt), do Hoàng Công Minh (25 tuổi, ngụ TP Đà Lạt) làm chủ. Minh khai làm chủ tiệm kinh doanh cầm đồ và cho vay từ tháng 8-2018. Qua 2 tháng, có khoảng 50 - 60 lượt khách hàng vay với lãi suất từ 60% - 240%/năm.
Ngày 1-11, Công an TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa kiểm tra hành chính một nhóm người có hành vi cho vay nặng lãi tại nhà số 14A Khúc Thừa Dụ do Nguyễn Tiến Vui, Đào Việt Anh và Trần Thanh Tâm thuê tạm trú, phát hiện nhiều sổ sách ghi chép việc cho vay trả góp với lãi suất 15% - 20%/tháng với nhiều bản sao hộ khẩu của con nợ. Ngoài ra, công an cũng thu giữ 1 cây đao tự chế và 1 roi điện. Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ, Trưởng Công an TP Nha Trang, cho biết đang tiếp tục củng cố hồ sơ, mở rộng điều tra các nhóm cho vay nặng lãi ở TP Nha Trang.
Công an huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cũng vừa kiểm tra tiệm cầm đồ Bảo Minh ở xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam), do Hoàng Khắc Sơn cầm đầu, phát hiện 30 hợp đồng cho vay nặng lãi với số tiền trên 300 triệu đồng và nhiều hung khí. Trước đó, Công an huyện Hàm Thuận Nam cũng bắt 4 đối tượng là Vương Quốc Bảo, Phan Văn Dinh, Nguyễn Văn Hoàng và Trương Mậu Chung khi từ nơi khác đến huyện này để cho vay nặng lãi với lãi suất cao hơn 20 lần so với ngân hàng.
Điểm mặt để triệt xóa
Công an thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận cho biết đã lên danh sách 16 nhóm với hơn 70 đối tượng cho vay nặng lãi. Trong đó có 7 nhóm với 40 đối tượng đến từ TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định. Hiện Công an thị xã La Gi đang lên kế hoạch để triệt xóa.
Đại tá Phạm Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho hay qua thống kê sơ bộ, hiện Bình Thuận có đến 130 đối tượng từ các tỉnh đến cho vay nặng lãi và đến nay, lực lượng công an đã khởi tố 5 vụ án, 7 đối tượng liên quan. Đại tá Trần Văn Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cũng khẳng định tình hình tín dụng đen, đòi nợ thuê ở tỉnh này đang diễn biến phức tạp. Đảng ủy và Ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận đã họp bàn và cương quyết giải quyết dứt điểm.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cũng vừa có yêu cầu Công an tỉnh Bình Thuận phải mạnh tay triệt phá, điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng, băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bắt người trái pháp luật và cố ý gây thương tích.
Khổ lắm rồi!
Qua đường dây nóng của Báo Người Lao Động, một bạn đọc phản ánh ở TP Đà Lạt bây giờ tình trạng cho vay nặng lãi hoành hành quá. "Mọi người khổ quá rồi. Tan cửa nát nhà vì tín dụng đen. Em và rất nhiều tiểu thương dính tín dụng đen. Người 5-10 triệu đồng, người 20 triệu đồng nhưng chỉ một thời gian ngắn thì lãi mẹ đẻ lãi con lên gần trăm triệu đồng. Các nhóm cho vay là người ở các tỉnh đến" - bạn đọc này bức xúc. Ngày 9-11, phóng viên đến TP Đà Lạt.
Một tiểu thương cho biết mới bị bệnh nằm viện không có tiền nên vay tín dụng đen 5 triệu đồng và không để ý nhiều đến lãi suất. Vay 5 triệu đồng mà thực chất chỉ nhận 4,5 triệu đồng, còn 500.000 đồng họ giữ lại để trả phí. Hằng ngày đóng 250.000 đồng tiền lãi, được vài ngày thì không trả nổi nên bị các đối tượng đe dọa, phải bỏ nhà đi trốn nợ.
Trung tá Đỗ Ngọc Hòa - Trưởng Công an phường 1, TP Đà Lạt - cho biết đang vận động người dân mạnh dạn tố giác tội phạm, từ đó lực lượng chức năng lần ra đầu mối để triệt xóa các nhóm tín dụng đen.
Đình Thi - Việt Khánh - Kỳ Nam
- Inforgraphic: 9 'bước' đòi nợ hiệu quả, đúng pháp luật
- Đánh ghen, quay clip tung lên mạng xã hội: Phản cảm và vi phạm pháp luật
- Cần hoàn thiện pháp luật để quản lý hiệu quả hoạt động đầu tư của công ty đa quốc gia
- Doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đúng pháp luật, bình đẳng với các doanh nghiệp khác
-
Vụ hộ dân đòi 167 tỉ đồng vì cánh quạt điện gió rơi: Bất ngờ số tiền được nhận
-
Người phụ nữ bị lừa 1 tỷ đồng khi đăng ký giải chạy cho con
-
Mất bản cứng giấy phép lái xe, có thể xuất trình bản tích hợp trên VNeID?
-
Bộ Công an đề xuất cấp tài khoản định danh điện tử cho cả trẻ em dưới 6 tuổi
-
Chuyển 55 vụ khởi tố hình sự về gian lận thương mại, hàng giả
-
Vụ cháy chung cư mini: Công an mời 6 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội quản lý lên làm việc