Hàng không tăng phí dịch vụ
Tổng số tiền vé phải trả sau khi cộng thuế, phí tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn giá vé ban đầu
Theo thông báo của Vietnam Airlines, hãng sẽ bắt đầu thu phí quản trị hệ thống mới đối với các nhóm giá thấp phổ thông tiêu chuẩn và phổ thông tiết kiệm từ ngày 5-7 tới. Việc phụ thu phí quản trị hệ thống nhằm nâng cao chất lượng quản trị dữ liệu hành khách, đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống trong tương lai. Cụ thể, mức phí với các vé chặng nội địa ngắn (dưới 850 km) là 80.000 đồng/chặng, các vé nội địa chặng bay dài (trên 850 km) là 150.000 đồng/chặng và các vé đường bay quốc tế mức phí quản trị hệ thống là 7 USD/chặng. Riêng vé hạng thương gia, phổ thông đặc biệt và nhóm giá phổ thông linh hoạt được miễn các khoản thu trên.
Cũng từ ngày 5-7, Vietnam Airlines sẽ bỏ phụ thu dịch vụ xuất vé trên website nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng phương thức mua vé hiện đại, phù hợp xu hướng mua bán trực tuyến. Trước đây, khách hàng mua vé trên website của hãng phải trả phụ thu dịch vụ xuất vé là 50.000 đồng/vé áp dụng cho hành trình nội địa Việt Nam và 7 USD/vé cho chặng bay bay quốc tế.
Như vậy, giá vé máy bay của Vietnam Airlines sẽ bao gồm giá vé gốc và các khoản thuế, phí (bao gồm cả phí quản trị hệ thống).
Trước đó, 2 hãng hàng không Vietjet và Jetstar Pacific cũng tăng phí quản trị hệ thống. Cụ thể, Jetstar Pacific điều chỉnh phí quản trị hệ thống các chặng bay quốc nội lên mức 210.000 đồng (chưa bao gồm thuế GTGT), tăng 70.000 đồng so với trước. Còn Vietjet tăng phí quản trị hệ thống mới lên mức 210.000- 370.000 đồng/vé tùy theo chặng bay quốc nội hoặc quốc tế, tăng 100.000-130.000 đồng/vé so với trước.
Không chỉ phí quản trị hệ thống, một số khoản thuế, phí dịch vụ hàng không khác cũng được điều chỉnh tăng như phí thay đổi chặng bay, ngày bay; phí sân bay tại cảng hàng không… Giá vé máy bay không tăng nhưng các loại thuế, phí dịch vụ được điều chỉnh khiến tổng số tiền hành khách phải trả cho việc đi lại tăng thêm đáng kể so với trước.
Chẳng hạn, một vé máy bay từ TP HCM đi Vinh (tỉnh Nghệ An) vào tháng 9-2018 chỉ khoảng 500.000 đồng nhưng sau khi cộng thuế, phí các loại, tổng số tiền hành khách phải trả lên tới 1 triệu đồng. Chị Mai Thanh, chủ một đại lý vé máy bay tại TP HCM, lo ngại việc các hãng tăng phí dịch vụ sẽ làm tổng giá vé máy bay nhích lên khiến việc kinh doanh càng thêm khó khăn. "Giá vé các hãng bán trên website chỉ từ 299.000 đồng, 399.000 đồng, 499.000 đồng… nhưng tổng số tiền phải trả sau khi cộng thuế, phí lại tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn. Một số hành khách thấy giá vé trên website và tổng số tiền phải trả chênh lệch nhau nhiều cứ nghĩ đại lý thu phí dịch vụ hoặc "ăn hoa hồng" cao, làm khó khăn cho đại lý trong việc kinh doanh" - chị Mai Thanh chia sẻ.
Trong khi chi phí đi lại bằng máy bay ngày càng tăng do thuế, phí dịch vụ cao hơn nhưng số lượng chuyến bay bị hoãn, hủy vẫn không cải thiện khiến nhiều hành khách không hài lòng. Ngoài ra, chi phí bay tăng liên tục cũng khiến các công ty du lịch "méo mặt". Các tour đường hàng không chiếm phần lớn trong cơ cấu tour du lịch, giá vé máy bay lại chiếm đến 2/3 giá tour đường dài nên việc tăng giá vé, phí bay của các hãng hàng không chắc chắn sẽ khiến cho giá tour tăng lên trong thời gian tới. Chưa kể du lịch trong nước vốn đã bị than phiền vì giá tour cao, nay chi phí hàng không tăng sẽ càng khiến tour nội kém cạnh tranh so với tour ngoại...
Không tăng giá tour
Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Công ty Du lịch Fiditour, việc tăng phí dịch vụ đẩy giá vé máy bay tăng lên ở một số hãng hàng không sẽ không ảnh hưởng đến các tour đã được du khách đặt trước. Bởi với một số công ty lữ hành, việc tăng giá tour rất quan trọng. Công ty phải nghiên cứu kỹ, có lộ trình hợp lý, cân nhắc kỹ để làm sao bảo đảm được chất lượng, mức giá tour tốt nhất dành cho khách hàng. Đối với từng tour cụ thể sẽ chọn những tuyến bay có mức giá phù hợp theo chi phí.
"Mức giá vé, phí máy bay tăng lên vừa rồi không đáng kể để tăng giá tour. Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi sẽ cố gắng cân đối để mức giá tour ổn định" - bà Thu cho biết.
Thái Phương
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường