Hai “lỗ hổng” nghiêm trọng trên thị trường địa ốc

Thứ bảy, 25/11/2017, 14:43 PM

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản nói chung và TP.HCM đang vướng hai lỗ hỗng lớn, mà nếu không vào cuộc xử lý rốt ráo sẽ dễ dẫn tới rủi ro cho người tiêu dùng.

Thị trường bất động sản TP.HCM gần đây xuất hiện nhiều công ty môi giới với các chiêu trò bán đất dự án “vẽ”, thay đổi thông tin dự án… thậm chí thuê giang hồ đánh khách hàng.

Mới đây, CTCP Alibaba Tây Bắc TP.HCM và CTCP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) lại khiến cả thị trường bất động sản phía Nam “dậy sóng” vì những chiêu thức mà 2 đơn vị này áp dụng vào việc kinh doanh. Đơn cử là về dự án “Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII-3”, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Theo HoREA thì dự án vẫn chưa có chủ đầu tư, chưa được phép công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ, thế nhưng Công ty Alibaba đã rao bán cho khách hàng.

Trước sự việc trên, HoREA đã phát đi những thông tin cảnh báo cho người tiêu dùng sự thật về dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi. Ngay sau đó, Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc đã có công văn gửi UBND TP.HCM về việc Công ty Alibaba mở bán dự án trái phép trong khu đô thị. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng phát thông báo khẩn về những thông tin sai sự thật của Công ty Alibaba và Sở Xây dựng TP.HCM đã vào cuộc để can thiệp về hành vi sai trái này của Công ty Alibaba.

Aliliba

Theo HoREA, lỗ hổng đầu tiên nằm ở Luật Doanh nghiệp. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp rất thông thoáng, có thể có sơ hở, lỏng lẻo, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Đây là vấn đề cần được giám sát, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền để tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” ghi số vốn điều lệ rất lớn để lừa dối khách hàng và đối tác.

Lỗ hổng thứ hai là độ “vênh” giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Bộ Luật Dân sự trong quá trình áp dụng pháp luật để quản lý hoạt động bán nhà ở hình thành trong tương lai (bao gồm nền nhà, căn hộ, nhà phố, biệt thự). Một số kẻ xấu và doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở này để huy động vốn trái phép, có thể gây thiệt hại hoặc rủi ro cho khách hàng và nhà đầu tư thứ cấp.

Thực tế, trong quá trình áp dụng luật, kẻ xấu và một số doanh nghiệp đã lợi dụng các quy định về “giao dịch dân sự theo nguyên tắc thỏa thuận, tự nguyện”, về “đặt cọc”, về “hợp đồng hợp tác” của Bộ Luật Dân sự để ký “thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ” (hoặc phiếu đặt chỗ); “hợp đồng góp vốn”; “hợp đồng hợp tác đầu tư” để tránh thực hiện các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, nhất là trong giai đoạn hai bên chưa ký hợp đồng mua bán bất động sản hình thành trong tương lai.

Từ những bài học trên, HoREA đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành theo chức năng và thẩm quyền, phối hợp kiểm tra các vụ việc trên địa bàn TP.HCM, có liên quan đến các công ty nêu trên để xử lý hoạt động huy động vốn trái pháp luật. Chấn chỉnh hoạt động và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư, kinh doanh.

Theo Vũ Sơn - NTD

largeer