Gỡ khó cho doanh nghiệp nhìn từ các chính sách hỗ trợ

Thứ hai, 10/07/2023, 11:14 AM

Điển hình phải kể đến đó là 2 khoản hỗ trợ từ chính sách tài khóa là giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, láp rắp trong nước; giảm 2% thuế VAT đối với hầu hết mặt hàng đang chịu thuế VAT 10%, chính là những khoản hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp hoan nghênh và đánh giá cao...

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn do các biến động khó lường, dẫn đến ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong nước buộc phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, nhiều lao động phải nghỉ luân phiên, làm việc cầm chừng hoặc mất việc làm, đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn.

Theo số liệu thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Nghĩa là bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nhiều chính sách tài khóa kịp thời góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh minh họa.

Nhiều chính sách tài khóa kịp thời góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh minh họa.

Trước tình hình nêu trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tài khóa kịp thời góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Điển hình phải kể đến đó là 2 khoản hỗ trợ từ chính sách tài khóa là giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, láp rắp trong nước; giảm 2% thuế VAT đối với hầu hết mặt hàng đang chịu thuế VAT 10%, chính là những khoản hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp hoan nghênh và đánh giá cao về tính thiết thực.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ. Điều này góp phần kích thích tiêu dùng và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định 44/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với nhiều mặt hàng theo nghị quyết số 101/2023 của Quốc hội. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế năm 2023.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ, các chính sách trên rất có ý nghĩa trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân đang hồi phục sau dịch. “Trong nhiều nhóm hỗ trợ, VCCI đánh giá cao giảm thuế VAT 2%. Về hiệu quả các chương trình như vốn, lao động… việc giảm thuế VAT thiết thực, tác động trực tiếp đến đông đảo người dân và doanh nghiệp, trong khi các chương trình khác hướng đến một nhóm nhất định, diện thực hiện rộng. Đây là ưu việt của chính sách, tổ chức thực thi không phức tạp như một số hỗ trợ khác, thể hiện Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp, người dân", ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Ngoài ra, một chính sách tài khóa cũng rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, đó chính là giải ngân vốn đầu tư công. Đây được đánh giá là giải pháp tạo nền tảng hồi phục và phát triển kinh tế Việt Nam, không chỉ đối với trước mắt mà cả lâu dài.

THANH TÙNG

Theo Vietq.vn

largeer