Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh - tiếp sức doanh nghiệp vượt khó

Thứ sáu, 07/07/2023, 14:47 PM

Tính từ năm 2020 đến nay, Chính phủ đã ban hành khoảng 40 văn bản chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh đến cải cách ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Nhiều tín hiệu tích cực khi các điều kiện rườm rà, trói chân doanh nghiệp đã được cắt giảm, doanh nghiệp cũng đã “dễ thở” hơn.

Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường kinh doanh ở một số ngành nghề hiện vẫn còn chậm, thậm chí không có chuyển biến.

Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh

Những năm trở lại đây, Chính phủ đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh thông qua chính sách cắt giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, rà soát, sửa đổi các quy định bất hợp lý.

Tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030, nêu rõ, cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

 Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Ảnh minh họa: TTXVN.

Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Ảnh minh họa: TTXVN.

Đồng thời, mục tiêu đối với cải cách thủ tục hành chính là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

Tính từ năm 2020 đến nay, Chính phủ đã ban hành khoảng 40 văn bản chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh đến cải cách ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Nhiều tín hiệu tích cực khi các điều kiện rườm rà, trói chân doanh nghiệp đã được cắt giảm, doanh nghiệp cũng đã “dễ thở” hơn.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nhận định, việc cải thiện môi trường kinh doanh ở một số ngành nghề hiện vẫn còn chậm, thậm chí không có chuyển biến. Văn bản hướng dẫn chậm gây khó khăn cho doanh nghiệp là hiện tượng phổ biến nhất trong thời gian qua.

Mới đây, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư chia sẻ, số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì giảm nhưng nội hàm của ngành nghề lại mở rộng hơn, bao trùm hơn. Đi cùng với đó là các quy định về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kèm theo. Qua khảo sát, cho thấy một số bộ, ngành tiếp tục ban hành và thực thi các điều kiện kinh doanh với mức độ chặt chẽ hơn. Nếu tình trạng này không được khắc phục thì có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cũng đề xuất rằng nên mở một cuộc điều tra từ doanh nghiệp để phát hiện thêm và xác định các giấy phép con và các điều kiện kinh doanh. Bởi hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế số, doanh nghiệp số, chính phủ điện tử nên có rất nhiều lĩnh vực có thể dùng kinh tế số để giám sát được, tiến tới xác định rõ các điều kiện kinh doanh và giảm bớt các thủ tục cho doanh nghiệp.

Theo Nghị quyết 76, mục tiêu đến năm 2030 như sau:

100% thủ tục hành chính, có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên.

Tối thiểu 90% thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương, có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, đồng thời, hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80%.

90% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 90%.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.

THANH TÙNG

Theo Vietq.vn

largeer