Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Gìn giữ nét đẹp lễ hội Xuân

Chủ nhật, 02/02/2025 15:57 (GMT+7)

Đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân năm 2025, Đảng, Nhà nước đã có những chỉ đạo, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về quản lý, tổ chức lễ hội; bảo đảm hoạt động vui Xuân, đón Tết thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp nếp sống văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Năm 2017, Lễ hội rước Mẫu Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngay sau Tết Nguyên đán, những lễ hội xuân rộn ràng, vui tươi, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống diễn ra trên cả nước. Mỗi lễ hội đều mang đặc trưng và giá trị riêng biệt, giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ thêm thấm nhuần hiểu biết về công lao của tổ tiên, kế thừa và phát huy truyền thống niềm tự hào về quê hương đất nước.

Mỗi lễ hội như một sợi dây kết nối cộng đồng, là nơi mỗi người đến để thưởng thức niềm vui Xuân, tưởng nhớ và kính trọng cha ông, tri ân các bậc tiền nhân và thấm nhuần việc bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, tiếp thêm năng lượng tích cực. Các lễ hội truyền thống còn đón du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, tìm hiểu văn hóa Việt Nam, góp phần bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị và quảng bá hình ảnh của các khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đất nước. Chính vì vậy, đòi hỏi các lễ hội truyền thống phải được tổ chức theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội.

Vài năm gần đây, công tác quản lý nhà nước đối với lễ hội đã được tăng cường với nhiều giải pháp hiệu quả, bảo đảm lễ hội gắn liền với các sự kiện lớn của địa phương, giúp các lễ hội truyền thống trở thành điểm đến hấp dẫn. Các địa phương và ngành văn hóa nghiêm túc thực hiện Nghị định 110/NĐ-CP (ngày 29/8/2018) của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội bảo đảm trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, phù hợp thuần phong mỹ tục và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; có chương trình, kịch bản tổ chức lễ hội với việc phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Tuyên truyền, giáo dục về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống… thời gian qua đã được đẩy mạnh.

Năm nay, các lễ hội lớn đầu xuân như: Lễ hội chùa Hương, Hội xuân Yên Tử, Lễ khai ấn Đền Trần, Hội Lim... tiếp tục được đổi mới công tác tổ chức với mục tiêu hướng đến khẳng định mỗi lễ hội là một điểm đến du lịch, văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Từ cả tháng trước khi khai hội, Ban tổ chức các lễ hội đã công khai kế hoạch, kịch bản và các phương án bảo đảm an ninh trật tự suốt thời gian diễn ra lễ hội; niêm yết công khai giá vé, giá phí các dịch vụ; tích hợp vé tham quan thắng cảnh và vé phương tiện di chuyển bằng vé điện tử tạo thuận tiện cho du khách, giảm đầu mối phát hành vé, kiểm soát vé; áp dụng mã QR để kiểm soát các phương tiện phục vụ du khách và tương tác thông tin phản hồi từ người dân… Các đơn vị chức năng cùng các cấp chính quyền cơ sở đã xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông đối với hoạt động lễ hội; chủ động lên kế hoạch kiểm tra hoạt động quảng cáo, kiên quyết không cho bày bán các sản phẩm mang tính kích động, bạo lực, ấn phẩm mê tín, dị đoan…

Năm 2025 là năm thứ hai các địa phương và ngành văn hóa thực hiện “Bộ tiêu chí môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” được ban hành cuối năm 2023. Bộ tiêu chí được các địa phương tích cực áp dụng bước đầu đã giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các ban tổ chức lễ hội cũng như người dân và du khách, góp phần tạo những chuyển biến rõ rệt trong các lễ hội diễn ra trong năm 2024 vừa qua. Bộ tiêu chí cũng trở thành công cụ đo lường chất lượng tổ chức đối với từng lễ hội, trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp về việc quản lý, tổ chức lễ hội...

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các địa phương cùng sự đồng lòng của người dân, kỳ vọng mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ năm 2025 sẽ là mùa lễ hội vui tươi, an toàn, văn minh, gìn giữ, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.

Theo Đông Việt (Báo Nhân dân)
Nguồn: nhandan.vn