Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Giết con trục lợi tiền bảo hiểm: Người mẹ đối mặt mức án cao nhất là tử hình

Chủ nhật, 06/04/2025 09:41 (GMT+7)

Vụ việc giết con trục lợi tiền bảo hiểm không chỉ là một tội ác, mà còn là sự sụp đổ của những giá trị đạo đức cốt lõi – nơi người mẹ vì tiền có thể tước đi mạng sống của chính đứa con mình mang nặng đẻ đau.

Tối 5/4, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Tô Thị Ty Na (SN 1981, trú thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) về tội Giết người.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hợp - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh kiểm tra, rà soát các vụ việc liên quan.

Từ công tác kiểm tra rà soát, Cơ quan CSĐT đã tiến hành xác minh, giải quyết vụ việc chết người xảy ra ngày 2/1/2023 và làm rõ nghi phạm giết người là Tô Thị Ty Na.

Kết quả điều tra xác định, khoảng 22h05 ngày 2/1/2023, tại nhà Tô Thị Ty Na, cháu Nguyễn Văn H. (SN 2017, con ruột Na) chết ở nhà vệ sinh.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan công an xác định đối tượng Na đã có hành vi giết cháu H., mục đích nhằm trục lợi tiền bảo hiểm.

Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra.

Công an khởi tố bị can và bắt tạm giam Tô Thị Ty Na vì hành vi giết người. Ảnh: Công an cung cấp

Từ góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Huy Thắng, trưởng văn phòng luật sư Huy Thắng nhận định: hành vi cố ý sát hại con ruột nhằm trục lợi tiền bảo hiểm cấu thành tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự, với mức án cao nhất là tử hình.

Không dừng lại ở đó, người mẹ còn có thể bị truy cứu thêm tội Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213), với khung hình phạt lên tới 7 năm tù nếu số tiền lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Thắng cho biết, đây là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng trong chuỗi hành vi trục lợi tiền bảo hiểm – một hiện tượng không còn xa lạ. Thực tế, nhiều vụ việc đã bị phanh phui như: dựng tai nạn, làm giả hồ sơ y tế, giả chết, đốt xe, hủy tài sản… nhằm rút tiền từ các hợp đồng bảo hiểm.

Tuy nhiên, sát hại con đẻ để trục lợi tiền bảo hiểm là biểu hiện tột cùng của sự suy đồi đạo đức và mất nhân tính.

Trước đây, một vụ án đau lòng xảy ra năm 2024, khi một người bị cáo buộc giết hại nhiều người thân, dựng hiện trường giả để chiếm đoạt tiền bảo hiểm – gây chấn động dư luận. Những vụ việc như vậy là hồi chuông cảnh tỉnh về việc tài chính có thể trở thành động cơ phạm tội, làm xói mòn ranh giới đạo đức.

Luật sư Thắng cũng cho biết: hệ thống bảo hiểm hiện nay đã có cơ chế thẩm định, đối chiếu và từ chối chi trả nếu phát hiện dấu hiệu gian dối. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan điều tra và doanh nghiệp bảo hiểm.

Đặc biệt, việc người mua bảo hiểm đứng tên con cái – nếu thiếu ràng buộc đạo đức, chỉ vì mục đích tài chính – đang để lộ một lỗ hổng nguy hiểm.

Theo ông, các công ty bảo hiểm cần siết chặt quy trình xét duyệt, kiểm tra đối tượng thụ hưởng và tăng cường hợp tác với lực lượng chức năng khi có dấu hiệu bất thường.

Trịnh Hải
Nguồn: sohuutritue.net.vn