Giày Việt thất thế ngay trên sân nhà

Thứ hai, 25/06/2018, 16:12 PM

Ngành giày dép Việt Nam đang vươn lên phát triển trong những năm gần đây, tuy nhiên trong thị trường nội địa, giày dép “Made in Việt Nam” vẫn chưa có nhiều thương hiệu tạo ấn tượng với người dùng.

Sức cạnh tranh của giày Việt trên thị trường nội địa là không khả quan

Sức cạnh tranh của giày Việt trên thị trường nội địa là không khả quan

Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành giày dép Việt Nam đạt 18 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2016. Theo mục tiêu, đến năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành sẽ từ 24-26 tỷ USD, năm 2025 là 35-38 tỷ USD. Từ 2016-2020 kim ngạch xuất khẩu bình quân trong tăng trưởng 10-11%.

Ngành giày dép Việt Nam, “khôn chợ, dại nhà”

Việt Nam nằm trong top 4 nhóm nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil) và là nước xuất khẩu giày dép lớn thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc).

Một loạt các thương hiệu lớn như Nike, Adidas… chọn Việt Nam là nơi mở các xưởng gia công giày, dép. Từ đó, có thể thấy tiềm năng để phát triển ngành giày dép Việt Nam ngay trên chính thị trường nội địa. Tuy nhiên, theo khảo sát hầu hết các thương hiệu giày dép Việt vẫn còn loay hoay, tìm chỗ đứng ngay trên thị trường “sân nhà”. Giày, dép Việt Nam đang bị thương hiệu ngoại “bóp nghẹt” trên chính địa bàn của mình.

Thực tế, Việt Nam có thế mạnh về thị trường tiêu thụ lớn, trung bình mỗi năm cả nước tiêu thụ từ 130-140 triệu đôi giày, dép, giá trị ước tính trên 1,5 tỷ USD, chiếm khoảng 30% doanh thu của ngành. Bên cạnh đó các chính sách, điều kiện có lợi cho ngành giày dép thay đổi tích cực. Thế nhưng, doanh nghiệp giày, dép Việt chỉ chiếm được chiếm 40% thị phần nội địa.

Cụ thể một vài thương hiệu có mặt từ lâu đời như Biti’s, Bita’s, Đông Thịnh, Hạnh Dung… sau một thời gian “chinh chiến” trên thị trường vẫn chưa để lại nhiều dấu ấn mà đa phần chỉ tập trung vào khâu xuất khẩu.

Tại sao thương hiệu giày dép Việt vẫn chưa chiếm ưu thế ngay tại “sân nhà” là câu hỏi muôn thuở của ngành. Trong khi, ở một thị trường khó tính như Hoa Kỳ giày dép Việt vẫn có thể xuất khẩu đứng thứ 2, chiếm tới 35%. Vậy tại sao trên thị trường nội địa, thương hiệu Việt lại không được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn?

Tại sao thua trên “sân nhà”?

Đầu tiên phải nói đến tâm lý “sính” ngoại của người Việt luôn được đề cao, phải dùng hàng ngoại, có thương hiệu, đẳng cấp hơn là hàng trong nước.

Những đôi giày ngoại luôn có giá cao gấp 3-4 lần, có khi 9-10 lần giày Việt, như đôi Van x Peanuts old Skool Snack có giá 2.990.000 đồng, Gucci Ace Embroidered Sneaker có giá từ 13,5-15,7 triệu đồng vẫn được nhiều người “săn lùng”. Trong khi đó thương hiệu Việt như giày nữ cao cấp Biti’s Hunter chỉ với giá 829.000 đồng, hay thương hiệu giày Juno giá trung bình từ 250.000-500.000 đồng người tiêu dùng vẫn chưa “mặn mà”. Mặc dù mục đích sử dụng, độ bền của các đôi giày, dép là như nhau.

Bên cạnh đó, hiện tại, ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành giày dép còn chưa phát triển nên gặp phải khó khăn lớn là phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện với thuế nhập khẩu từ Trung Quốc là 5-20%, riêng đế giày là 20%. Trong khi đó một đôi giày nhập thành phẩm về Việt Nam là 0%. Như vậy đã vô tình khuyến khích các mặt hàng giày dép nhập khẩu để tiết kiệm chi phí đầu tư đẩy ngành này vào thế khó khăn hơn.

Trong khi đó “cơn lốc” giày dép với đủ mẫu mã, kiểu dáng, cùng chất lượng được nhập khẩu tràn về Việt Nam, điều này đã lôi kéo một lượng lớn khách hàng từ chối sản phẩm thương hiệu Việt. Đó là chưa tính đến giày dép có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc giá rẻ, nhái các thương hiệu nổi tiếng được bày bán công khai tại các cửa hàng, chợ, vỉa hè…

Empty

Loay hoay tìm cách vươn lên

Nhìn lại tình hình sản xuất của ngành giày dép trong những năm qua, dễ nhận thấy dấu hiệu tích cực đến từ các thương hiệu “Made in Việt Nam” như Biti’s, Juno, Hồng Hạnh, Vina Giày… Các doanh nghiệp đang tập trung đầu tư cho việc thay đổi mẫu mã, chất lượng, nhắm đến các đối tượng trẻ cùng các chiến lược truyền thông, marketing để không chịu “lép vế” trên “sân nhà”. Đặc biệt, các thương hiệu giày Việt đã bắt đầu chú tâm đến công tác làm thương hiệu, thông qua hệ thống chuỗi cửa hàng dày đặc và “gọt dũa” tối ưu bộ nhận dạng thương hiệu từ trung cấp đến sang trọng, tạo sức cạnh tranh ngang bằng hàng ngoại.

Juno là một trong những “tên tuổi” gặt hái được thành công hiện nay, xuất hiện từ 2005, tuy nhiên đến 2015 thương hiệu Việt này “lột xác” trong phân khúc giày nữ “Made in Việt Nam”. Là người đồng sáng lập nên thành công của Thế Giới Di Động, ông Đinh Anh Huân - chủ thương hiệu giày Juno đã tìm hướng đi mới cho sản phẩm của mình. Mọi thứ từ khâu sản xuất, bán lẻ, hệ thống phần mềm, công nghệ, marketing đều được đầu tư làm mới. Đây cũng là thương hiệu rất nhạy bén khi áp dụng công nghệ vào chuỗi sản xuất kinh doanh. Hiện tại với chuỗi 79 cửa hàng có mặt trong cả nước cho thấy sự vươn lên thành công và mạnh mẽ của Juno trong thị trường nội địa.

Không thể không nhắc đến một thương hiệu giày Việt cũng tạo nên “cơn sốt” đó là Biti’s. Trong 2 năm trở lại, Biti’s tung ra các sản phẩm đã “làm mưa, làm gió” trên thị trường giày dép nội địa với các sản phẩm Biti’s Hunter, Biti’s Disney, Biti’s Văn Hóa Dân Gian đã thu hút sự quan tâm lớn của người dùng.

Vina Giày nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Hiện nay, nhu cầu giày dép trên thị trường nội địa có xu hướng tăng mạnh về số lượng và chất lượng, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần có sự đầu tư bài bản, khắt khe hơn để giành lại vị thế. Nhưng hầu như các thương hiệu trong nước chỉ chú trọng đến chất lượng mặt hàng xuất khẩu bởi nó đem lại lợi nhuận cao. So sánh với các mặt hàng của Nhật, trong sản xuất người ta luôn ưu tiên lựa chọn những nguyên vật liệu có chất lượng cao nhất, máy móc thiết bị tốt nhất, bởi họ đề cao vấn đề uy tín chất lượng các sản phẩm dù là thị trường nội địa hay xuất khẩu. Người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn các sản phẩm này. Trong khi đó, ngành giày dép Việt chưa đáp ứng tốt về yêu cầu trên.

Khi các thương hiệu Việt dần thay đổi, cung cấp các sản phẩm tốt thì khách hàng cũng nên cân nhắc thay đổi ý thức mua sắm. Ủng hộ các mặt hàng Việt để các doanh nghiệp đầu tư, tăng tốc độ phát triển của ngành giày dép Việt trên thị trường nội và ngoại.

 Hoàng Uyên

Theo NTD

largeer