Giá vàng thế giới bất ngờ đắt đỏ hơn giá vàng SJC

Thứ tư, 12/06/2019, 11:05 AM

Trong nhiều năm trở lại đây, giá vàng trong nước luôn “nóng” hơn giá vàng thế giới. Có thời điểm, mức chênh lệch lên đến 2 triệu đồng/lượng. Thế nhưng từ 4/6/2019, giá vàng thế giới bất ngờ đắt đỏ hơn giá vàng SJC.

Trong nửa đầu năm 2019, giá vàng thế giới tăng mạnh gấp 3 lần giá vàng SJC.

Trong nửa đầu năm 2019, giá vàng thế giới tăng mạnh gấp 3 lần giá vàng SJC.

Giá vàng thế giới đắt đỏ

Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra trước năm 2010, thị trường vàng “nóng giãy” và trở thành mối quan tâm của nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản, tiền tệ. Một trong những vấn đề được nhắc tới nhiều lần, thậm chí có thời điểm trở thành “mối quan ngại” đó là giá vàng SJC quá đắt đỏ.

Có thời điểm, giá vàng SJC đắt hơn giá vàng thế giới tới 2 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch quá cao này khiến nhiều chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng phải thận trọng nếu không muốn gánh thua thiệt nặng. Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá mức chênh lệch này nên duy trì ở mức từ 200.000-400.000 đồng/lượng. Và tất nhiên, vàng SJC sẽ đắt đỏ hơn.

Thế nhưng, kể từ ngày 4/6/2019, chuyện lạ đã diễn ra trên thị trường vàng. Giá vàng thế giới bất ngờ đắt đỏ hơn giá vàng SJC. Theo thống kê của Công ty Vàng bạc Đá quý Doji, giá vàng thế giới đắt hơn giá vàng SJC khoảng 40.000 đồng/lượng. Tới cuối tuần, khoảng cách được nới rộng lên gần 150.000 đồng/lượng.

Giá vàng thế giới trở nên đắt đỏ hơn khi thị trường thế giới có nhiều biến động mạnh hơn thị trường trong nước và đồng USD có nhiều bứt phá.

Cụ thể, hiện tại, giá vàng thế giới đã vượt qua mốc quan trọng 1.300 USD/ounce và đang giao dịch ở mức 1.330 USD/ounce, tăng 50 USD/ounce, tương đương 3,9% so với phiên cuối cùng của năm 2018. Trong khi đó, giá vàng SJC chỉ tăng 450.000 đồng/lượng, tương đương 1,2% lên 36,92 triệu đồng/lượng.

Có thể thấy giá vàng thế giới có tốc độ tăng mạnh gấp 3 lần giá vàng SJC. Bên cạnh đó, đồng USD nóng lên cũng tăng giá trị của giá vàng thế giới vì giá vàng quy đổi được tính theo tỷ giá USD/VND. Đồng bạc xanh “nhảy dựng” khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang rất căng thẳng.

Tới ngày 6/6/2019, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết tỷ giá ở mức: 23.355 đồng/USD (mua vào) - 23.475 đồng/USD (bán ra), tăng 230 đồng/USD, tương ứng 1% so với phiên 31/12/2018.

Vàng SJC bất ngờ “yếu thế” so với cả vàng thế giới và vàng “phi SJC”.

Vàng SJC bất ngờ “yếu thế” so với cả vàng thế giới và vàng “phi SJC”.

Giá vàng “phi SJC” lên ngôi

Thêm một chuyện lạ nữa trên thị trường vàng trong nước. Không chỉ “yếu thế” so với vàng thế giới, vàng SJC còn bị vàng “phi SJC” vượt qua.

Cũng như giá vàng thế giới, giá vàng “phi SJC” được “mặc định” là có giá trị thấp hơn giá vàng SJC vì thanh khoản thấp. Chỉ khi giao dịch tại cửa hàng cung cấp, vàng “phi SJC” mới được mua vào đúng giá niêm yết. Nếu giao dịch tại các cửa hàng khác, loại vàng này được định giá như vàng nguyên liệu.

Vì vậy, có thời điểm, giá vàng SJC cao hơn vàng “phi SJC” cả triệu đồng mỗi lượng. Thông thường, giá trị của 2 loại vàng này chỉ “đảo chiều” trong ngày Vía Thần Tài, thời điểm người dân đổ xô đi mua “vàng lẻ” để cầu may. Thế nhưng, gần đây, vàng “phi SJC” bất ngờ “lên ngôi” và vượt qua “anh cả” làng kim loại quý.

Trong ngày 6/6/2019, giá vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức: 36,86 triệu đồng/lượng (mua vào) - 37,81 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng SJC 320.000 đồng/lượng chiều bán ra. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý PNJ, giá vàng PNJ niêm yết ở mức: 36,98 triệu đồng/lượng - 37,48 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng SJC 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 450.000 đồng/lượng chiều mua vào.

Trong khi đó, vàng “phi SJC” tại Công ty Vàng bạc Sacombank-SBJ “nóng” nhất khi vàng nhẫn được giao dịch ở mức: 36,58 triệu đồng/lượng - 37,58 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng SJC 510.000 đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của vàng SPJ lên tới 1 triệu đồng/lượng.

Trước những “diễn biến lạ” trên thị trường vàng đi cùng với sự “yếu thế” của vàng SJC, nhà đầu tư giao dịch khá thận trọng. Tại Doji, nhà đầu tư mua vào, bán ra khá đồng đều, không có xu hướng rõ nét. Còn tại Bảo Tính Minh Châu, lượng mua vào chiếm tỷ lệ áp đảo (70%).

Doji đánh giá đây là thời điểm nhạy cảm, vừa là cơ hội, cũng là rủi ro. Do vậy, Doji khuyến cáo các nhà đầu tư cần có quyết định sáng suốt khi tham gia giao dịch.

Vy Vy

Theo NTD

largeer