Giá nhà ở xã hội tăng nhanh dù đã qua sử dụng nhiều năm
Khảo sát thị trường nhà ở xã hội tại Hà Nội cho thấy, giá nhà ở xã hội liên tục tăng trong thời gian gần đây, thậm chí nhà ở đã đưa vào sử dụng cũng tăng cao và tiệm cận với giá nhà ở thương mại.
Theo khảo sát, dự án nhà ở xã hội 987 Tam Trinh được bàn giao vào năm 2018 với mức giá mở bán dao động từ 20 - 22 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các căn hộ tại dự án này đều có mức giá tăng lên 45 - 55 triệu đồng/m2, có căn lên tới 60 triệu đồng/m2, gấp 2 - 3 lần so với mức giá ban đầu.
Bên cạnh dự án kể trên, nhiều căn hộ thuộc các dự án nhà ở xã hội đã đi vào sử dụng khác cũng ghi nhận mức giá tăng đáng kể, ngang bằng với các căn hộ tại các dự án nhà ở thương mại.
Điển hình như, căn hộ tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm) mở bán vào hồi tháng 5/2023, có giá bán khởi điểm là 19,5 triệu đồng/m2. Đến nay, sau chưa đến một năm mở bán giá hiện tại của các căn nhà ở xã hội này khoảng 42 triệu đồng/m2.
Hay như Khu chung cư Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) - một trong những dự án nhà ở xã hội đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội, được bàn giao vào năm 2010 với mức giá mở bán chỉ trên 8 triệu đồng/m2. Tính đến thời điểm hiện tại, các căn hộ tại dự án này đã có mức giá dao động từ 45 - 47 triệu đồng/m2. Như vậy, so với giá mở bán, mức giá hiện nay đã tăng gấp 5 lần.
Nguồn cung khan hiếm
Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu thị trường OneHousing cho rằng đến năm 2025, Hà Nội sẽ thiếu hụt khoảng 50.000 căn hộ mỗi năm với 90% nhu cầu là căn hộ chung cư. Căn hộ chung cư ở đây được hiểu là đã bao gồm cả nhà ở xã hội. Điều cũng rất đáng nói là từ 3 năm nay, giá căn hộ chung cư dưới 30 triệu đồng/m2 ở Hà Nội đã “biến mất”.
Ở thời điểm hiện tại, giá căn hộ chung cư phân khúc bình dân khá xa trung tâm đều đã từ 45 triệu đồng/m2 trở lên.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tổng số lượng căn hộ nhà ở xã hội được khởi công, hoàn thành đến nay mới đạt khoảng 35,6% mục tiêu đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, giai đoạn đến năm 2025.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra loạt địa phương có nhu cầu về phân khúc nhà ở xã hội rất lớn nhưng đầu tư còn hạn chế, trong đó có Hà Nội. Từ nay đến năm 2025, thành phố cũng chỉ dự kiến hoàn thành thêm 3 dự án với 1.700 căn hộ, đáp ứng khoảng 9% nhu cầu của người dân. Trong khi đó, theo đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội, giai đoạn năm 2025, Hà Nội phải hoàn thành 18.700 căn hộ. Nhưng 4 năm qua, thành phố mới hoàn thành gần 28% chỉ tiêu được giao.
Các chuyên gia bất động sản đánh giá việc giá chung cư tại Hà Nội tăng nhanh là do tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường kéo dài nhiều năm qua. Có rất ít dự án mới bung hàng trong khi nhu cầu mua chung cư để ở rất lớn. Thậm chí, phân khúc nhà ở xã hội - được coi là cứu tinh thị trường giúp làm giảm giá chung cư lại chậm được triển khai.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - dự báo, trong năm nay, giá bán chung cư sơ cấp sẽ tiếp tục tăng trung bình khoảng 3-8%. Lý do là nguồn cung ngắn hạn vẫn chưa được giải quyết. Số dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới ngày càng ít, có xu hướng sụt giảm, nhất là phân khúc bình dân, trung cấp.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhấn mạnh, rất cần có những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội cũng như khắc phục bất cập trong quy trình xử lý thủ tục, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp tham gia, đẩy nhanh tiến độ dự án, từ đó gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội ra thị trường.
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội
-
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng
-
Nhiều dự án nhà đất được gỡ vướng pháp lý
-
Doanh nghiệp bất động sản vẫn đang phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng, cần đa dạng hóa kênh huy động vốn