Gần 10.000 tỉ đồng chậm đóng, trốn đóng BHXH mỗi năm
Trong năm 2022, có tới 198 nghìn doanh nghiệp (DN), đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Số tiền DN trốn đóng, chậm đóng BHXH trong giai đoạn 2016 - 2022 gần 10 nghìn tỉ đồng/năm.
198 nghìn DN, đơn vị chậm đóng BHXH
Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) góp ý về hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH. Bà cho biết số tiền DN trốn đóng, chậm đóng BHXH trong giai đoạn 2016 - 2022 khoảng gần 10 nghìn tỉ đồng/năm.
Trong năm 2022, trên phạm vi cả nước có tới 198 nghìn DN, đơn vị chậm đóng BHXH.
Bà Thủy cho hay, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tính riêng số người lao động bị chậm đóng bảo hiểm trong năm 2022 lên tới 2,6 triệu người. Trong đó số tiền khó có khả năng thu hồi do DN đã giải thể, phá sản hoặc chủ DN đã bỏ trốn là 2.500 tỉ đồng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng nếu quy định như dự thảo thì DN có thể lợi dụng và đưa ra lý do kinh doanh khó khăn nên không có khả năng đóng. Do đó sẽ không thể xử lý được hành vi trốn đóng BHXH.
Ngoài ra, bà Thủy cũng đề nghị giao cho công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện chứ không chỉ là công đoàn cấp cơ sở như hiện nay; đồng thời quy định nếu như công đoàn đứng ra khởi kiện rồi thì không cần sự ủy quyền của người lao động.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã mở rộng 5 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Góp ý về điều này, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, việc mở rộng này thể hiện định hướng từng bước mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá tác động đến các chi phí phát sinh, đồng thời cần có chế tài xử phạt nghiêm minh để tránh tình trạng chậm và trốn đóng BHXH.
Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách trong sách trong dự án luật, có gần 2 triệu hộ đăng ký kinh doanh, khoảng 270.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố. Chưa kể, ba nhóm đối tượng còn lại chưa có thống kê cụ thể.
“Thực tiễn vừa qua cho thấy, tình trạng trốn, nợ đóng BHXH đối với các đối tượng dễ quản lý và dễ xử lý hơn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó nếu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như dự thảo luật thì cần phải có chế tài kiểm soát và xử lý nghiêm minh để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định…”, bà Mai nêu.
Trốn đóng bảo hiểm cần xử lý hình sự như trốn thuế
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH kéo dài thời gian qua chủ yếu tập trung ở khu vực sản xuất kinh doanh. Các cơ quan đã nhiều lần trao đổi, đưa ra giải pháp nhưng hiệu quả vẫn thấp, gây bức xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.
Đại biểu cho biết hiện nhiều nước trên thế giới quy định cơ quan thuế thực hiện luôn nhiệm vụ thu BHXH bắt buộc, sau đó chuyển về cho cơ quan quản lý BHXH.
“Hành vi trốn, chậm, nợ đọng BHXH được xử lý hình sự như pháp luật quản lý thuế nên không có tình trạng chây ỳ, trốn, chậm đóng kéo dài", đại biểu Thúy nói và cho rằng nếu áp dụng kinh nghiệm này của các nước, hiệu quả quản lý thu BHXH sẽ được cải thiện.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cũng phản ánh, thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều DN, địa phương, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ BHXH của người lao động.
Đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng BHXH vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Theo đó, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu; bổ sung một số biện pháp, chế tài như: khấu trừ tiền nợ BHXH tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo, đôn đốc của cơ quan BHXH trong thời gian nhất định (có thể là 3 tháng); công khai danh tính các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần có các quy định đồng bộ, khả thi, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Cụ thể, cần chỉnh sửa, bổ sung khoản 4, khoản 5, Điều 37 theo hướng: Khi người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm phải đóng, thì tổ chức công đoàn, người lao động cũng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động.
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở