Du lịch tàu biển: muốn phát triển phải gỡ nhiều nút thắt
Hơn 20 năm sau khi đón những vị khách du lịch tàu biển quốc tế đầu tiên, mảng du lịch tàu biển ở Việt Nam vẫn phát triển chậm. Lượng khách chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 2-3% trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam, tăng trưởng hàng năm cũng thấp. TBKTSG đã trao đổi với ông Farriek Tawfik, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Princess Cruises, về những vấn đề liên quan.
TBKTSG: Theo ông, tại sao khách quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển vẫn còn ít và Việt Nam thực sự có tiềm năng phát triển loại hình du lịch này hay không?
- Ông Farriek Tawfik: Tiềm năng để Việt Nam phát triển du lịch tàu biển là rất rõ ràng. Về vị trí, Việt Nam nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, là điểm đến dễ tiếp cận trong hành trình của các hãng tàu đến khu vực, lại gần với các trung tâm cảng biển du lịch nhộn nhịp như Hồng Kông, Singapore, Thượng Hải... Những tàu muốn đến Singapore thì phải đến Việt Nam nên Việt Nam dễ trở thành điểm đến cho các tàu du lịch biển. Thêm vào đó, thị trường trong khu vực châu Á đang phát triển rất sôi động, nhiều hãng chạy các con tàu lớn trên tuyến này tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút khách. Một thuận lợi khác là cả nước có nhiều cảng biển nước sâu có thể đón tàu lớn và có những điểm tham quan đẹp dọc các cảng mà tàu ghé qua.
Nguồn khách du lịch tàu biển cũng đầy hứa hẹn. Khác với vài chục năm trước, hiện không phải chỉ những người cực giàu mới có thể đi du lịch tàu biển. Giá dịch vụ đã giảm do các hãng tàu ngày càng đóng những chiếc tàu lớn hơn, chở được nhiều khách hơn.
Theo tôi, lượng khách tàu biển đến Việt Nam khá khả quan. Năm ngoái, chúng tôi đã đưa khoảng 80.000 lượt khách đến, một con số khá tốt. Trong mùa tàu biển từ tháng 11-2018 đến tháng 3-2019, trong các hành trình từ 3-13 ngày đến 11 cảng trong khu vực của hai tàu Sapphire Princess và Diamond Princess của chúng tôi, có hai cảng Phú Mỹ và Nha Trang.
TBKTSG: Một số hãng tàu than phiền về chất lượng dịch vụ tại cảng cũng như cho rằng khó có thể phát triển du lịch tàu biển nếu thiếu cảng chuyên dụng. Theo ông, đó có phải là vấn đề chính?
- Thời gian qua, Việt Nam đã bắt đầu đầu tư dịch vụ cảng, xây cảng du lịch nhưng thực sự, dịch vụ vẫn chưa hoàn thiện. Chẳng hạn, ở một số cảng, nhân viên hải quan phải lên tàu để làm thủ tục nhập cảnh cho khách vì không có quầy làm thủ tục ngay tại cảng. Thị thực nhập cảnh cũng là một vấn đề vì nhiều nước khác miễn thị thực cho khách du lịch tàu biển. Thậm chí, Việt Nam cũng miễn thị thực cho khách quốc tế đến bằng đường khác nhưng khách tàu biển thì vẫn phải trả 5 đô la Mỹ/người.
Làm sao để đưa nhiều tàu đến ư? Chúng tôi hay nói gọn là phải làm sao để tàu có thể đến dễ nhất thì thuyền trưởng sẽ vui vẻ đưa tàu đến. Theo tôi, điều tốt nhất mà Chính phủ nên làm là đầu tư cảng. Muốn tàu dễ đến thì dịch vụ tại cảng và hạ tầng phải tốt. Đây cũng là nguyên nhân khiến Singapore, một đất nước nhỏ, chỉ có hai cảng du lịch biển lại thu hút nhiều tàu du lịch đến thế.
Tuy nhiên, cùng với yêu cầu về dịch vụ cho tàu thì dịch vụ, điểm tham quan cho khách cũng rất quan trọng. Chúng tôi cần những điểm tham quan đẹp, có chất lượng để đưa khách vào. Nếu tàu có thể vào thẳng cảng như Singapore là tốt nhất nhưng nếu điểm đến có những điểm tham quan đặc biệt hấp dẫn thì chúng tôi cũng có thể cho tàu đậu từ ngoài khơi rồi dùng tàu nhỏ đưa khách vào. Thêm vào đó, số lượng xe chở khách phải đủ vì mỗi tàu có khoảng 2.000 khách, nếu cùng lúc 5 hay 10 tàu cùng cập cảng thì yêu cầu về xe cộ là rất lớn; và điểm đến phải tính toán trước để có thể đáp ứng dịch vụ, có nghĩa là cả cảng lẫn điểm đến phải sẵn sàng thì chúng tôi mới có thể đưa khách đến.
Một lưu ý nữa là du khách trên tàu có quốc tịch rất đa dạng nên văn hóa cũng rất khác nhau. Những người cung cấp dịch vụ tại điểm đến phải đáp ứng được sự đa dạng về văn hóa này. Du khách cũng cực kỳ thích trải nghiệm ẩm thực địa phương nên điểm đến có thể tận dụng lợi thế ẩm thực để thu hút và làm hài lòng du khách.
TBKTSG: Theo ông, đâu là thị trường chính của Việt Nam và ngành du lịch cần phải tiếp thị như thế nào cho hiệu quả?
- Như tôi đã nói ở trên, nguồn khách tàu biển hiện khá đa dạng, về quốc tịch lẫn độ tuổi và thu nhập. Vài chục năm trước, khi tôi mới gia nhập ngành này thì khách tàu biển đa số là những người 60, 70 tuổi, đã nghỉ hưu, còn nay thì độ tuổi chỉ cỡ 40. Lượng khách quan trọng hiện giờ không chỉ là người có thu nhập cao mà còn là khách trung lưu, hiện đang có số lượng đông đảo ở nhiều quốc gia. Thị trường thì không chỉ nhộn nhịp ở châu Âu hay Mỹ mà còn ở châu Á - khu vực đang phát triển rất sôi động với khoảng hơn 4 triệu du khách tàu biển mỗi năm.
Theo tôi, thị trường quan trọng không chỉ là khu vực rộng lớn bên ngoài mà còn là lượng khách trong khu vực. Chẳng hạn, chỉ riêng Singapore trong năm 2017 đã có đến 267.000 người đi du lịch, Malaysia có 188.000 người, nếu khuyến khích được lượng khách du lịch qua lại lẫn nhau giữa các nước thì cũng sẽ tạo nên được một thị trường lớn.
Về tiếp thị, tôi cho rằng, cũng như đầu tư về cơ sở hạ tầng, cả Nhà nước và doanh nghiệp phải đồng hành cùng nhau thì mới tạo nên những chương trình hiệu quả. Trong đó, cách mà Tổng cục Du lịch Singapore (STB) phát triển thị trường Indonesia là một trong những cách làm hay có thể tham khảo. Để thu hút khách Indonesia đi du lịch tàu biển, cơ quan này đã quyết định tặng 50 đô la Singapore cho mỗi khách bay đến Singapore và ở lại một đêm trước khi lên tàu. Cơ quan này cũng đồng hành với doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tiếp thị ở những thị trường tiềm năng.
TBKTSG: Ông có khuyến nghị gì để du lịch tàu biển Việt Nam không những phát triển nhanh mà còn phát triển bền vững?
- Theo tôi, cách tốt nhất để tăng trưởng kinh tế là phát triển du lịch. Nguồn thu từ du khách và loại hình du lịch tàu biển có đóng góp rất quan trọng trong lĩnh vực này. Tính đơn giản, một tàu đổ xuống vài ngàn khách, chưa cần kể đến các dịch vụ cho tàu, thuyền viên..., chỉ cần một khách mua một chai nước giá 1, 2 đô la Mỹ hay một món đồ lưu niệm là đã đem lại nguồn thu đáng kể cho địa phương. Nếu thu hút được vài trăm hay vài ngàn chuyến tàu thì nguồn lợi kinh tế sẽ rất lớn.
Chính phủ nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã thấy được nguồn lợi này và bắt tay vào đầu tư cho du lịch tàu biển. Đây là tín hiệu tốt nhưng cần phải quan tâm thật đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường, giữ gìn tự nhiên và hệ sinh thái thì mới có thể phát triển du lịch bền vững.
Tôi có một ví dụ, đảo Komodo ở Indonesia là một điểm du lịch thu hút rất nhiều khách tàu biển. Sức hút nổi bật nhất ở đây là rồng Komodo, du khách nào cũng muốn đến để tận mắt thấy loài vật này. Trước đây, mỗi khi tàu đến, chúng tôi dùng thuyền nhỏ đưa khách vào đảo và đưa cho mỗi người một cây gậy để phòng khi rồng Komodo tấn công. Thế nhưng, đến nay đối tượng cần được bảo vệ đã thay đổi, rồng Komodo sợ khách, thấy khách du lịch là chạy mất.
Điều này đặt ra vấn đề hóc búa trong việc làm sao cân bằng giữa phát triển du lịch và giữ gìn tự nhiên, tránh tác hại của du lịch lên môi trường để giữ giá trị của điểm đến. Vấn đề khó nhưng thiết nghĩ các điểm đến phải tính toán để có lời giải hợp lý nhằm phát triển du lịch bền vững.
Đào Loan
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch