Du lịch miền Trung - Tây Nguyên tăng tốc (*): Tây Nguyên thức dậy và đi tới
Du lịch Tây Nguyên đang cần được đầu tư một cách bài bản để đánh thức các tiềm năng
Tỉnh Đắk Lắk đang hoàn tất công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019. Đây là điểm nhấn du lịch trong năm của các tỉnh Tây Nguyên đang được du khách hào hứng chờ đợi.
Phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm
Theo Ban Tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 với chủ đề "Tinh hoa đại ngàn" sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 16/3.
Theo chương trình, lễ hội lần này có 4 tour du lịch, gồm: tour trải nghiệm, khám phá quy trình trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến và thưởng thức cà phê; tour du lịch sinh thái, văn hóa sẽ giới thiệu khách tham quan, dã ngoại; tour tham quan nghiên cứu lịch sử tại đình Lạc Giao, nhà đày Buôn Ma Thuột, bảo tàng tỉnh, đồn điền CADA; tour du lịch mạo hiểm sẽ giới thiệu du thuyền độc mộc trên hồ Lắk, vượt thác ghềnh dọc sông Sêrêpốk huyền thoại.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, cho hay lễ hội cà phê năm nay được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ngoài việc xây dựng các tour du lịch đặc trưng, mang đậm bản sắc Tây Nguyên, tỉnh còn chú trọng công tác bảo đảm cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu của du khách. Đặc biệt, tỉnh yêu cầu tất cả cơ sở kinh doanh giữ nguyên mức giá cũ, không "chặt chém" du khách trong mùa lễ hội dù việc nói không với "chặt chém" đã trở thành thương hiệu của du lịch Đắk Lắk trong những năm qua.
Về lâu dài, Đắk Lắk đang có nhiều dự án, chủ trương đầu tư phát triển du lịch đồng bộ. Ngoài việc đầu tư vào các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa sẵn có, tỉnh sẽ phát triển du lịch theo hướng cộng đồng, trải nghiệm.
"Trong tháng 3/2019, tỉnh sẽ tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học về xây dựng, phát triển mô hình du lịch này nhằm tạo sự khác biệt, đặc trưng cho du lịch Đắk Lắk" - bà Phương Hiếu cho biết.
Sẵn sàng đánh thức tiềm năng
Trong khi đó, tỉnh Đắk Nông đang xây dựng công viên địa chất (CVĐC) núi lửa dự kiến trên diện tích khoảng 4.000 km2, trải dài qua 6 huyện, thị xã. Ngoài các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh vốn có, điểm nhấn của CVĐC là hệ thống hang động núi lửa vừa tìm thấy di cốt người tiền sử sống cách đây khoảng 6.000-7.000 năm. Trong đó, hệ thống hang động núi lửa ở huyện Krông Nô với gần 100 hang, tổng chiều dài hơn 25 km vô cùng độc đáo, quyến rũ, nguyên sơ đang chờ được đánh thức.
Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐC núi lửa Đắk Nông, CVĐC này hội tụ đầy đủ các yếu tố: sự đa dạng địa chất, di sản địa chất, sinh học, văn hóa xã hội và di sản văn hóa, đủ điều kiện để trình tổ chức UNESCO đăng ký CVĐC toàn cầu. Đây là cơ hội để tỉnh Đắk Nông bảo tồn và phát huy các giá trị, thúc đẩy phát triển du lịch.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho rằng tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch với tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú. Tỉnh có nhiều thác, hồ đẹp như cụm thác Đray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ, thác Đắk G’Lun, thác Liêng Nung, thác Đắk Buk So, thác Lưu Ly, hồ Ea Snô, hồ Tây, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Bên cạnh đó, Đắk Nông còn có các khu di tích lịch sử, văn hóa với sự đa dạng các nền văn hóa khác nhau của 40 thành phần dân tộc. Trong đó, nền văn hóa nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như M’nông, Mạ, Ê Đê ngày càng được quan tâm bảo tồn và phát huy, thu hút được sự quan tâm của khách du lịch, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử trong và ngoài nước.
Hệ thống hang động núi lửa vùng Krông Nô đang được tỉnh Đắk Nông đệ trình UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu, tham gia mạng lưới CVĐC cấp quốc tế. "Xây dựng CVĐC nhằm bảo tồn di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đồng nghĩa với việc tạo sản phẩm du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Quan điểm của tỉnh là xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và người dân là chủ thể bảo tồn các giá trị quý báu này" - bà Hạnh nhấn mạnh.
Lâm Đồng chưa phát huy lợi thế
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho rằng để du lịch Tây Nguyên phát triển, đòi hỏi phải phát triển liên ngành, liên vùng vì nếu các tỉnh không liên kết, mỗi nơi mỗi hướng sẽ không thành công.
Đánh giá tỉnh Đắk Lắk làm rất tốt trong việc phát huy giá trị văn hóa và lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho rằng Lâm Đồng cũng có 2 thế mạnh này nhưng chưa bảo tồn và phát huy được. "Hồ Tuyền Lâm là "quả tim" của TP Đà Lạt, khu du lịch hồ Tuyền Lâm mang tầm quốc gia nhưng chưa phát huy được giá trị mà còn lộn xộn khiến dư luận bức xúc. Nếu chính quyền địa phương không chung tay giải quyết thì sẽ thua các địa phương khác" - bà Ngọc băn khoăn.
Đ.Thi
Cao Nguyên
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch