Du lịch dịp lễ đông nhưng không bùng nổ
Du lịch dịp lễ năm nay có tuyến biển nhộn nhịp, là đòn bẩy để khôi phục thị trường. Tuy nhiên, lượng khách một số nơi sụt giảm không nằm ngoài dự đoán.
Trước khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ, các tỉnh thành có biển kỳ vọng vào lượng khách nội địa, ra sức triển khai các hoạt động du lịch để kích cầu du lịch. Mức tăng trưởng từ lượng khách là có nhưng chưa bùng nổ như các đợt cao điểm du lịch năm 2019.
Riêng Bình Thuận, đảo Phú Quý tấp nập du khách, doanh thu vượt trội so với các tỉnh, thành ven biển khác.
Lượng khách phục hồi khả quan
Theo báo cáo về tình hình du lịch dịp lễ 30/4-1/5 từ các tỉnh, lượng khách tại vùng biển nổi tiếng như Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) hay vùng cao nguyên như Đà Lạt (Lâm Đồng) tăng nhưng không vượt trội nếu so với các đợt cao điểm du lịch trước đó.
Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) từng tạo “cơn sốt” du lịch từ sau đợt Tết Âm lịch năm 2022 kéo dài cho đến dịp lễ 30/4-1/5 cùng năm, song lễ năm nay tụt lại trên đường đua. Lượng khách đến Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng có phần sụt giảm.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Kiên Giang, trong 5 ngày nghỉ lễ, toàn tỉnh đón gần 265.000 lượt khách. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 210 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng khách đến Vũng Tàu có phần khả quan hơn. Thông tin với Zing, ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Trung tâm Quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu, cho biết trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, thành phố ước tính đón khoảng 256.000 lượt khách. Con số này cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ TP Vũng Tàu, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đón lượng khách lớn trong 5 ngày vừa qua. Theo thống kê của Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh đón hơn 411.000 lượt khách, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy doanh thu toàn tỉnh ước đạt gần 634 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên, lượng khách đến TP Vũng Tàu vui chơi trong kỳ nghỉ lễ tăng dần theo từng ngày. Du khách chủ yếu tập trung tắm biển ở khu vực Bãi Sau. Loạt quán cà phê view biển, ngắm hoàng hôn ở Bãi Dâu cũng thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch trong kỳ nghỉ lễ năm nay.
Khác với cảnh phòng trống nhiều của các khách sạn tại Vũng Tàu hay Nha Trang, công suất buồng phòng tại tỉnh Bình Thuận đạt trung bình khoảng 70-90% dịp lễ, các resort 3-5 sao gần như đã kín phòng. Lượng khách đến Bình Thuận tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, mang lại doanh thu vượt trội cho ngành du lịch của tỉnh. Trong đó, phải kể đến sự vụt sáng của ngôi sao mới nổi Phú Quý.
Tương tự, nhờ đón lượng khách tăng vọt, TP.HCM đang là tỉnh thành có doanh thu du lịch cao nhất cả nước trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, với doanh thu bùng nổ ước đạt 3.130 tỷ đồng. Nếu so với dịp lễ cùng kỳ năm ngoái, các điểm du lịch, vui chơi giải trí trong thành phố đón khoảng 950.000 lượt khách, tăng 126,2%, theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM trong các ngày 29/4-1/5.
Dễ hiểu
Trên thực tế, lượng khách đổ về các tỉnh thành có biển vào dịp lễ 30/4 đông cũng không quá khó đoán.
Thứ nhất, các tuyến biển thuộc miền Trung đông khách nhờ tuyến cao tốc đường bộ kết nối các tỉnh thành miền Nam như TP.HCM, Cần Thơ... với Bình Thuận, Nha Trang (Khánh Hòa). Tuyến cao tốc này được nhiều du khách lựa chọn di chuyển dịp lễ vì rút ngắn quãng đường và thời gian di chuyển, cộng thêm việc mới khánh thành khiến người dân, du khách háo hức trải nghiệm. Việc giá vé máy bay tăng cao dịp lễ càng củng cố lựa chọn đi lại bằng đường bộ của du khách.
Lý do thứ hai phải kể đến thời tiết nắng nóng ở các tỉnh thành miền Nam, đặc biệt là TP.HCM đang vào cao điểm nắng nóng nhất trong năm, khiến người dân, du khách có xu hướng đến các vùng biển để tránh nóng.
Để lý giải về tình trạng Phú Quốc vắng khách, câu chuyện về giá vé máy bay đột nhiên tăng “chóng mặt” nên được bóc tách đầu tiên. Giai đoạn trước lễ 1-2 tuần, giá vé máy bay đột nhiên tăng cao, thậm chí cao hơn mức giá của nhiều đường bay quốc tế trong khu vực châu Á.
Việc tăng giá vé máy bay ngay thời điểm chuẩn bị đón lễ khiến các doanh nghiệp, người làm du lịch tại Phú Quốc lo ngại về tình hình hoạt động kinh doanh du lịch dịp lễ. Cụ thể, giá vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng đi Phú Quốc có mức giá dao động 8-13 triệu đồng/khách.
Trao đổi với Zing trước đó, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, nhận định vé máy bay tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến Phú Quốc không còn hấp dẫn trong mắt du khách.
Dù cận lễ, giá vé đến đảo ngọc đã được điều chỉnh về mức thấp hơn vẫn không thu hút được du khách đến Phú Quốc vào giờ chót.
Hơn nữa, trước tình trạng giá vé máy bay tăng cao, du khách lựa chọn Nha Trang, Bình Thuận, Hội An có thể chuyển hướng sang đi bằng phương tiện cá nhân. Còn về Phú Quốc, di chuyển đến đảo ngọc bằng đường hàng không là thuận tiện nhất.
TƯỜNG VI - VÂN KHANH
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch