Dự án gần 10.000 tỉ đồng vừa khởi động lại đã gặp khó
Đó là thực tế đang diễn ra ở dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang). Để rõ thực hư, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (nhà đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận)
* Phóng viên: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải khai thác vào năm 2021. Thế nhưng, theo những gì chúng tôi nắm được thì dự án đang gặp khó, ông nói gì về điều này?
- Ông TRẦN VĂN THẾ: Đúng là dự án đang gặp khó. Trong đó, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn từ các ngân hàng tài trợ sau gần 1 năm đã ký hợp đồng tín dụng nhưng chưa được giải ngân. Cụ thể, ngày 15-8-2018, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận ký hợp đồng tài trợ vốn với liên danh 4 ngân hàng VietinBank, BIDV, VPBank và Agribank, trong đó VietinBank là ngân hàng đầu mối. Tuy nhiên sau gần 1 năm, việc giải ngân vốn vẫn chưa được thực hiện bởi hợp đồng quy định 20 điều kiện ràng buộc, trong đó có những điều kiện như "đánh đố" nhà đầu tư. Cụ thể, ngân hàng yêu cầu nhà đầu tư phải góp tỉ lệ vốn chủ sở hữu là 30% - mức góp gấp đôi so với thông thường bởi ở hầu hết các dự án khác chỉ trung bình từ 12%-15%. Với tỉ lệ 30%, mức góp sẽ tương ứng khoảng 3.000 tỉ đồng, một số tiền rất lớn.
Mặt khác, thông thường việc giải ngân vốn chủ sở hữu và vốn vay ngân hàng sẽ thực hiện song song, tức chi ra đồng thời. Tuy nhiên với dự án này, trước khi được nhận khoản vay đầu tiên, ngân hàng lại yêu cầu nhà đầu tư phải giải ngân trước 2.500 tỉ đồng/3.000 tỉ đồng, việc này càng làm tình hình khó khăn hơn.
* Cũng có thông tin ngân hàng chưa giải ngân là vì dự án còn nhiều vướng mắc liên quan đến điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư...?
- Đây là dự án hạ tầng giao thông, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và hình thức này hiện còn nhiều bất cập, thậm chí cả pháp lý, dẫn đến nhiều phát sinh, thay đổi trong quá trình thực hiện. Trong khi đó, những thay đổi của dự án chịu tác động bởi nhiều yếu tố khách quan chứ không phải chủ quan từ nhà đầu tư. Vì vậy, thay vì ràng buộc rằng không có vấn đề gì bất lợi đối với dự án, ngân hàng có thể quy định khi phát sinh những điều khoản thay đổi thì nên cùng nhau tháo gỡ, đáp ứng phương án tài chính cũng như trả nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên, phía ngân hàng lại có sự "cứng nhắc" khi cho rằng không có bất kỳ sự thay đổi bất lợi nào. Chưa kể, các ngân hàng cũng ấn định số tiền cho vay tại thời điểm này và quy định rằng nhà đầu tư phải bỏ ra toàn bộ khi điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng lên.
Trong khi đó, việc lập tổng mức đầu tư cho dự án trước đây lại có nhiều bất cập. Cụ thể, khi chúng tôi tiếp nhận dự án thì các nhà đầu tư trước đó đã điều chỉnh tăng quy mô dự án nhưng tổng mức đầu tư lại giảm. Đây là vấn đề vô lý bởi không thể có việc quy mô tăng nhưng tổng mức đầu tư lại giảm. Chúng tôi hiện cũng đã rà soát lại các hồ sơ và thấy nhiều vấn đề trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư trước đây không đúng quy định. Hiện nay, nhà đầu tư cùng cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đơn vị tư vấn quản lý dự án, tư vấn lập dự án... đang rà soát để điều chỉnh tổng mức đầu tư. Sau đó sẽ lập lại tổng mức đầu tư và trình Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến, trên cơ sở ý kiến đó thì phía UBND tỉnh Tiền Giang mới phê duyệt. Tuy nhiên, ngân hàng lại ấn định rằng trường hợp tổng mức đầu tư được thống nhất điều chỉnh tăng lên thì nhà đầu tư phải chịu mức tăng đó. Như vậy, ngay ban đầu tỉ lệ góp vốn chủ sở hữu đối với dự án đã là 30% nên giả sử nếu tổng mức đầu tư tăng thêm khoảng 1.500 - 2.000 tỉ đồng thì nhà đầu tư tiếp tục phải bỏ ra số tiền này, càng khó thực hiện.
* Hiện nay, đơn vị ông đã và đang huy động nguồn lực như thế nào để triển khai dự án?
- Với quy định về vốn chủ sở hữu theo hợp đồng dự án thì nhà đầu tư đã hoàn thành, thậm chí đã huy động nguồn vốn từ phía nhà đầu tư được khoảng 2.000 tỉ đồng để thực hiện dự án. Trong khi đó, gần 1 năm qua vẫn chưa giải ngân được nguồn vốn vay từ phía VietinBank và các ngân hàng đồng tài trợ nên phương án tài chính rất khó khăn.
* Sau khi dự án được chuyển giao từ Bộ Giao thông Vận tải qua UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tình hình thực hiện thế nào và có gặp khó khăn, vướng mắc gì hay không, thưa ông?
- UBND tỉnh Tiền Giang hiện là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuy nhiên, phía UBND tỉnh Tiền Giang cho biết do chưa bao giờ quản lý một dự án đối tác công - tư lớn như dự án này, vì vậy phải dành nhiều thời gian học kinh nghiệm từ các địa phương khác đã quản lý những dự án tương tự cũng như lấy ý kiến từ các bộ - ngành... Vấn đề này làm kéo dài thời gian và chúng tôi cũng đã nhiều lần làm việc. Do đó, trường hợp phía tỉnh Tiền Giang chậm các thủ tục hành chính liên quan đến điều chỉnh dự án thì nguy cơ tuyến cao tốc này không thể hoàn thành theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Vẫn vừa thi công vừa chờ gỡ vướng
Theo ông Trần Văn Thế, tuy đang gặp những khó khăn nhưng đơn vị này vẫn vừa gấp rút hoàn thiện những đầu việc liên quan đến kiến nghị gỡ vướng phương án tài chính vừa tập trung thi công để đẩy nhanh tiến độ.
Khởi công từ năm 2009 nhưng ngay sau đó, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bị ngưng trệ. Năm 2015, dự án tái khởi động lần 2 nhưng tiến độ chậm chạp, sau 4 năm (tức đến đầu năm 2019), chỉ đạt 15% tổng khối lượng. Trước tình hình trên, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả được mời làm nhà đầu tư chính của dự án. Đồng thời, ngày 18-3, Thường trực Chính phủ yêu cầu các đơn vị chức năng điều chỉnh giải pháp kỹ thuật, tiến độ tổng thể và tổng mức đầu tư; làm việc với ngân hàng cung cấp tín dụng để thẩm định lại phương án tín dụng cho dự án. Chính phủ cũng đồng ý thay đổi cơ chế hỗ trợ của nhà nước bằng quyền thu phí tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương sang hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước.
Gia minh
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội