Dòng vốn FDI tăng, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tăng “phi mã”

Thứ tư, 05/06/2019, 10:47 AM

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ làm chuyển hướng dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này giúp cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tăng “phi mã” trong thời gian qua, nhưng liệu cổ phiếu ngành này còn đủ “dư vị” hấp dẫn nhà đầu tư?

Biến động cổ phiếu bất động sản KCN trong vòng một năm qua (29/5/2018-29/5/2019).

Biến động cổ phiếu bất động sản KCN trong vòng một năm qua (29/5/2018-29/5/2019).

FDI tăng mạnh, cổ phiếu bất động sản KCN nổi sóng

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo ra làn sóng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định CPTPP được ký kết cũng giúp dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh.

Theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI giải ngân vào Việt Nam trong năm 2018 đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017. Trong 4 tháng đầu năm 2019, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 7,4 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn FDI thực hiện ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Dòng vốn FDI tăng mạnh đã giúp nhiều cổ phiếu bất động sản KCN tăng giá vài lần bất chấp trong vòng một năm qua thị trường chứng khoán ảm đạm, chỉ số VN-Index chỉ tăng 2%.

Nổi bật trong nhóm này là cổ phiếu VRG tăng đến 233%. Kế tiếp là NTC, BAX, MH3, D2D là những cổ phiếu có mức giá tăng từ 100-200%. Trong đó, ấn tượng nhất là NTC đã tăng giá 828% kể từ khi lên sàn UPCoM từ cuối năm 2016. Cùng với NTC và D2D là một trong số ít cổ phiếu đạt thị giá trên 130.000 đồng/cổ phiếu trên sàn chứng khoán, vượt xa hàng loạt tên tuổi Vingroup, Vinamilk.

Triển vọng chung là thế nhưng không phải cổ phiếu bất động sản KCN nào cũng tăng giá. Cổ phiếu của các “ông lớn” sở hữu quỹ đất khủng như: Tổng công ty Idico, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex), Tổng công ty Viglacera lại giảm. Do các đơn vị này kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực nên nguồn thu từ KCN chiếm tỷ trọng không cao trong cơ cấu doanh thu.

Dòng vốn FDI tăng mạnh đã giúp nhiều cổ phiếu bất động sản KCN tăng giá vài lần bất chấp trong vòng một năm qua thị trường chứng khoán ảm đạm.

Dòng vốn FDI tăng mạnh đã giúp nhiều cổ phiếu bất động sản KCN tăng giá vài lần bất chấp trong vòng một năm qua thị trường chứng khoán ảm đạm.

Lợi thế của doanh nghiệp bất động sản KCN

Trong thư gửi cổ đông Berkshire Hathaway năm 2000, Warren Buffett đưa ra chiến lược đầu tư hợp lý bằng việc trích dẫn câu nói của nhà văn Easop: “Một con chim trong tay bằng hai con chim trong bụi”. Cổ phiếu bất động sản KCN nổi sóng, liệu bụi cây bất động sản KCN có ít nhất hai con chim hay không? Khi nào chúng ta có thể bắt được và mức độ chắc chắn về số lượng chim trong bụi. Nhà đầu tư đừng chỉ nghĩ đến chim, hãy nghĩ đến tiền.

Những doanh nghiệp bất động sản KCN dường như nằm trên đống tiền. Đa số, doanh nghiệp không phải vay nợ ngân hàng bởi vì doanh nghiệp thu tiền thuê đất một lần rồi mang đồng vốn này gửi ngân hàng lấy lãi. Hàng loạt doanh nghiệp đang sở hữu lượng tiền rất lớn như: D2D (tiền mặt trị giá 138.000 đồng/cổ phiếu), NTC (83.000 đồng/cổ phiếu), MH3 có (49.000 đồng/cổ phiếu), SZL (27.000 đồng/cổ phiếu), IDV (22.000 đồng/cổ phiếu), BAX (20.000 đồng/cổ phiếu). Đây cũng là những cổ phiếu có mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua.

Ngoài việc sở hữu quỹ đất KCN, các doanh nghiệp này còn thực hiện những dự án khu dân cư phục vụ người lao động với chi phí đất rất thấp. Đây là một lợi thế rất lớn trong việc phát triển bất động sản nhà ở.

Tiền thuê đất KCN được trả trước nên doanh nghiệp chỉ việc hạch toán hàng năm giúp lợi nhuận ổn định. Nhờ đó, các đơn vị này trả cổ tức khá cao như: NTC (20.000 đồng/cổ phiếu), MH3 (6.600 đồng/cổ phiếu)...

Hưởng lợi nhưng chưa nhiều

Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi mà nhiều công ty sẽ chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, họ có nhiều lựa chọn khác. Đơn cử, nhà sản xuất sản phẩm iPhone lớn thứ hai trên thế giới là Pegatron đã quyết định chuyển một số dây chuyền của mình ra khỏi Trung Quốc sớm nhất vào đầu tháng 6/2019. Địa điểm lựa chọn là Indonesia, thay vì Việt Nam như dự định ban đầu.

Doanh nghiệp nước ngoài khi dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam chưa chắc đã chọn KCN của các đơn vị trên để thuê đất nên đa số công ty đặt kế hoạch lợi nhuận cho năm 2019 đi ngang hoặc suy giảm so với lợi nhuận năm 2018. NTC chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên nên chưa có kế hoạch kinh doanh năm 2019. SZC, SNZ đặt kế hoạch năm nay tăng nhẹ so với năm rồi, D2D đi ngang còn kế hoạch của SZL, MH3 lại giảm mạnh.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng: “Khó có chuyện cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường kinh tế sẽ đem lại những lợi ích cho các nước nhỏ hơn. Có thể Việt Nam sẽ được hưởng lợi, nhưng cái lợi đó có bù được thiệt hại hay không. Thời gian qua, khi cuộc chiến thương mại diễn ra, cổ phiếu một số ngành trên thị trường chứng khoán tăng khá mạnh. Tuy nhiên, điều này chỉ là tạm thời, là phản ứng của cổ phiếu với thông tin ngắn hạn, còn về mặt dài hạn, doanh nghiệp có tiếp tục phát triển hay không là câu chuyện của tương lai”.

 TRÍ NGUYỄN - LỤC CƯỜNG

Theo NTD