Dòng tiền mới sẽ đổ vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2023 nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước liên tục đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN). Điều này góp phần giúp DN có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu, góp phần giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường.
Nhiều điều kiện thông thoáng hơn
Mới đây, Ngân hàng (NH) Nhà nước ban hành Thông tư 03/2023 cho phép NH được mua trái phiếu DN với nhiều điều kiện thông thoáng hơn.
Thông tư 03 là giải pháp tiếp theo hỗ trợ thị trường trái phiếu DN sau khi vào ngày 5-3, Chính phủ ra Nghị định 08/2023 cho phép kéo dài thời hạn trả nợ trái phiếu và được đàm phán với trái chủ trả nợ bằng tài sản khác.
Ngay khi Nghị định 08 ban hành, các DN đã phát hành trái phiếu DN nhiều trở lại với tổng giá trị hơn 1 tỉ USD. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn trên thị trường này. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 17-3, tổng giá trị trái phiếu DN chậm trả lên đến con số hơn 94.000 tỉ đồng. Theo thống kê của FiinRatings, quý II và quý III-2023, số lượng trái phiếu DN đáo hạn lần lượt là 34,2 và 35,4 ngàn tỉ đồng.
Cụ thể, từ ngày 24-4 đến hết 31-12 sẽ ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021 của NH Nhà nước. Trong thời gian ngưng hiệu lực thi hành điều khoản này, tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu DN chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.
NH Nhà nước cũng khẳng định việc ban hành Thông tư 03 nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu DN trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo các chuyên gia, quy định trước đây theo Thông tư 16/2021 không cho phép các NH thương mại mua trái phiếu DN của các DN phát hành nhằm mục đích để đảo nợ, phát hành thâu tóm DN khác… Mục đích của việc này nhằm nắn dòng tín dụng không chảy vào các lĩnh vực rủi ro. Hiện Thông tư 03 đã cởi trói nhiều điều kiện trước đây để cho phép DN có nguồn vốn và cơ hội tái cơ cấu nguồn vốn.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho biết Thông tư 03 sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu khi quý II và III này sẽ có khối lượng trái phiếu đáo hạn khá lớn. Ngoài ra, thông tư cũng góp phần tăng tính linh hoạt và chủ động cho tổ chức tín dụng trong việc xem xét mua lại trái phiếu DN nhưng kèm theo việc phải đảm bảo an toàn kiểm soát rủi ro theo quy định.
Cần nhanh chóng cải cách các thủ tục
Theo TS Cấn Văn Lực, các quy định mới ban hành được xem là giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Tuy vậy, để thị trường phát triển lành mạnh có thực chất cần phải tiếp tục nhanh chóng cải cách những thủ tục, rút gọn thời gian cấp phép để DN nhanh chóng phát hành trái phiếu.
Việc chuẩn hóa và đơn giản hóa quy trình phát hành trái phiếu DN sẽ làm tăng tính hiệu quả và minh bạch của thị trường. Việc phát triển các mẫu hợp đồng trái phiếu tiêu chuẩn cùng với hệ thống xếp hạng trái phiếu tiêu chuẩn sẽ đơn giản hóa quy trình phát hành và giúp các nhà đầu tư dễ tiếp cận hơn.
“Cần hoàn thiện nhanh thị trường trái phiếu thứ cấp để tăng thanh khoản và thu hút dòng tiền đầu tư trong và ngoài nước. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường, có chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm, tăng mức chế tài đối với hành vi vi phạm… Tất cả điều này sẽ giúp tăng niềm tin trên thị trường, sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu DN và biến nó trở thành nguồn vốn quan trọng cho sự phát triển của DN cũng như nền kinh tế” - ông Lực nhận định.
TS Ronald Ravinesh Kumar, giảng viên kinh tế cấp cao Trường ĐH RMIT Việt Nam, cho biết đối với các công ty, việc trả nợ trễ hạn có thể gây tổn hại đến danh tiếng và giá trị tín dụng của họ, khiến họ khó tiếp cận vốn hơn trong tương lai.
Đối với các trái chủ, việc trả nợ trễ hạn có thể dẫn đến mất thu nhập và lợi tức đầu tư thấp hơn. Điều này có thể đặc biệt khó khăn đối với các nhà đầu tư cá nhân, những người có thể dựa vào thu nhập từ trái phiếu để nghỉ hưu hoặc các mục tiêu tài chính khác. Các giải pháp gỡ các nút thắt trên thị trường trái phiếu DN sẽ chưa dừng lại.
Mới đây, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Sở giao dịch chứng khoán khẩn trương xây dựng và đưa hệ thống giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ vào hoạt động từ ngày 16-6.
Đây là một sàn giao dịch trái phiếu thứ cấp cho các nhà đầu tư. Sàn này sẽ cho phép các nhà đầu tư mua và bán trái phiếu trước khi chúng đáo hạn, mang lại tính thanh khoản và tính linh hoạt. Hơn nữa, điều này cũng sẽ mang đến cho các nhà đầu tư nhiều cơ hội đầu tư hơn, dẫn đến danh mục đầu tư đa dạng hơn và phân bổ vốn hiệu quả hơn.
Nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, gần đây Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng mục đích cũng để giúp thị trường trái phiếu DN vận hành tốt trở lại. Đó là Bộ Tài chính đã hoàn tất kế hoạch cắt giảm thuế VAT của Việt Nam từ 10% xuống 8% trong nửa cuối năm 2023, tương đương với việc kích thích khoảng 1,5 tỉ USD cho nền kinh tế 450 tỉ USD của Việt Nam.
Chính phủ cũng sẽ cho phép các cá nhân và tổ chức trì hoãn 3-6 tháng trong việc thanh toán các loại thuế khác nhau. Bên cạnh những bước cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ cũng đã lùi một số quy định mới được đưa ra vào cuối năm 2022 nhằm áp đặt các điều kiện chặt chẽ hơn đối với việc phát hành trái phiếu DN.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết nhiều nút thắt hành chính đang cản trở việc phát triển bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng.
PHƯƠNG MINH
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường