Đồng Nai: Dân khóc ròng, khánh kiệt nhà cửa vì heo
Toàn bộ 11/11 huyện, thành phố của tỉnh Đồng Nai đều có heo mắc dịch tả heo châu Phi. Đồng Nai giờ đã thành “thủ phủ” của dịch khiến người nuôi heo điêu đứng.
Tại huyện Thống Nhất, chủ các hộ nuôi heo khóc ròng khi từng đàn heo bị mang đi tiêu hủy. Vợ chồng chị Liên (ấp 2, xã Lộ 25) bần thần khi 80 con heo nái, 800 con heo thịt chăn nuôi theo mô hình VietGap đã dính dịch tả phải mang đi tiêu hủy. Đàn heo bị tiêu hủy đồng nghĩa với việc vợ chồng chị phải gánh khoản nợ chồng chất, khi không còn heo xuất chuồng đi bán để trả nợ các khoản vay ngân hàng.
Trong khi đó, hộ bà Phương (hàng xóm chị Liên) cũng đã đầu tư 4 tỉ đồng nuôi 130 con nái, 1.000 con heo thịt nhưng giờ cũng đã có vài chục con chết và cả ngàn con khác đang nằm ủ rũ chờ mang đi tiêu hủy. Cả gia đình bà Phương như ngồi trên đống lửa trước viễn cảnh phá sản, nợ nần cận kề trước mặt.
Theo Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 24/7 toàn tỉnh đã có gần 950 hộ chăn nuôi heo thuộc 81 xã của 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có dịch tả heo châu Phi, với hơn 108 ngàn con heo đã bị tiêu hủy. Ổ dịch mới nhất xuất hiện tại 1 trại heo sinh sản thuộc xã Bàu Sen, TP.Long Khánh.
Trong 3 tháng dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Đồng Nai (từ ngày 17/4 đến ngày 20/7) cho thấy, điều đáng báo động là tốc độ lây lan, phát sinh ổ dịch trên địa bàn tỉnh trong vài tuần gần đây rất nhanh. Cụ thể, chỉ tính riêng 3 tuần đầu tháng 7/2019, toàn tỉnh Đồng Nai đã phát sinh thêm ổ dịch ở 644 hộ chăn nuôi, thuộc 50 xã với số lượng heo bị tiêu hủy trên 57,3 ngàn con.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở các trang trại lớn và nguy cơ sẽ tiếp tục lan rộng trong thời gian tới. Toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 1,7 ngàn trang trại chăn nuôi, nhưng số lượng trang trại nuôi chuồng lạnh rất ít, điều kiện để thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học đúng nghĩa còn khó khăn nên dự báo số lượng heo mắc dịch sẽ tiếp tục tăng.
Mặt khác, cũng theo ông Quang, do đang trong giai đoạn mùa mưa, việc thực hiện tiêu độc, khử trùng phòng dịch buổi sáng, thì buổi chiều mưa lớn làm mất hiệu quả. Vì vậy, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là giải pháp cứu cánh trong phòng dịch tả heo châu Phi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần nâng sức đề kháng cho vật nuôi bằng thức ăn, các chất đề kháng bổ sung...
Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi cho biết khi được chính quyền cảnh báo dịch tả heo châu Phi thì các hộ đều áp dụng quy trình phòng ngừa khá nghiêm ngặt, nhưng không hiểu sao heo vẫn bị bệnh. Gia đình bà Thủy (Lô 25) nuôi gần 7.000 con heo trong 3 trại đã yêu cầu tất cả nhân viên, kỹ thuật viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Cụ thể, thức ăn cho heo, đồ ăn cho người và tất cả vật dụng ra vào trại đều phải qua kiểm tra, sát trùng, xử lý tia cực tím trước khi đưa vào khu vực chăn nuôi. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn xảy ra trên trang trại của bà khi có hơn 2.000 con heo đã chết trong 2 tháng qua.
An Nhiên
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội