Doanh số lao dốc, ngành ô tô kiến nghị giảm 50% phí trước bạ
Các hiệp hội, địa phương cho rằng việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi mua ô tô sẽ giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh thị trường này đang ảm đạm.
Trước tình hình doanh số bán ô tô sụt giảm, sản xuất gặp khó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam (VAMI) cùng một số địa phương có nhà máy sản xuất ô tô đã kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiếp tục gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Lượng khách mua ô tô giảm 50%
Theo báo cáo doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 1-2023 của VAMA cho thấy chỉ có hơn 17.300 xe được bán ra, giảm hơn 51% so với tháng 12-2022, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đơn kiến nghị gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, VAMA chỉ ra từ cuối quý IV-2022 thị trường ô tô chịu ảnh hưởng của lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp. Tình hình dự báo còn khó khăn nên khả năng duy trì sản lượng và doanh số bán hàng khó đạt được. Điều này sẽ gây áp lực lên thanh khoản của DN, chi phí tài chính tăng cao.
Vì vậy, VAMA kiến nghị các bộ, ngành đề xuất Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế từ tháng 1 đến hết tháng 6-2023.
Tương tự, VAMI cũng có văn bản kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan bổ sung các chính sách có tính đột phá, hỗ trợ DN ô tô. Điển hình như gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian phù hợp. VAMI đề xuất cơ quan chức năng ban hành ngay từ quý II-2023 để phát huy hiệu quả.
Các hiệp hội cho biết việc giãn thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh ảm đạm. Hai chính sách kích cầu này sẽ giúp các DN giảm bớt áp lực dòng tiền cũng như có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất.
Cần xem xét kỹ giảm phí trước bạ
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, - chuyên gia kinh tế, cho biết việc tiếp tục giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ với ngành ô tô trong những năm trước đúng là đã phát huy tác dụng tích cực khi vừa kích cầu tiêu dùng vừa giúp DN phục hồi sau dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi mọi hoạt động kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi phát triển thì cần phải được xem xét những đề xuất về giảm phí hay giãn nộp thuế.
Về đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, theo ông Thịnh, có thể xem xét giãn thời gian nộp thuế cho DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước để DN giảm áp lực tài chính, chủ động được nguồn vốn, ổn định sản xuất, kinh doanh. “Gia hạn nộp thuế thì số thuế này DN vẫn nộp nên không ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước” - ông Thịnh nói.
Đối với đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ, ông Thịnh đánh giá cần xem xét lại. Vì trước đó, Chính phủ đã có chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô trong nước đăng ký mới với hai đợt trong bối cảnh giúp phục hồi thị trường ô tô sau dịch bệnh.
“Chính sách này cũng vướng phải ý kiến không đồng tình từ các DN nhập khẩu ô tô nhưng thời điểm đó có lý do chính đáng là dịch bệnh. Còn hiện nay sản xuất, kinh doanh đã phục hồi, thị trường sụt giảm chung nên không thể tiếp tục giảm phí trước bạ” - ông Thịnh phân tích.
Để kích cầu thị trường, ông Thịnh cho rằng các DN ô tô cần có những chính sách kích cầu, hỗ trợ lệ phí trước bạ, có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá bán...
Ông Nguyễn Duy Thọ, Giám đốc một đại lý kinh doanh ô tô tại TP.HCM, cho rằng việc giảm phí, giãn thuế là rất cần thiết với thị trường ô tô lúc này khi khách hàng mua xe giảm mạnh, DN sản xuất gặp khó khăn. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ lần này cần có sự công bằng, nếu giảm 50% lệ phí trước bạ thì áp dụng chung cho cả ô tô nội lẫn ô tô nhập khẩu vì những đợt trước ô tô nhập khẩu đều không được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng các bộ, ngành cần xem xét đề xuất Chính phủ có chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với các loại xe thân thiện với môi trường như xe hybrid, xe điện sản xuất trong nước hoặc giảm thuế cho các nhà sản xuất linh kiện xe sản xuất trong nước. Điều này vừa phát triển công nghiệp trong nước vừa giảm giá thành xe đến tay người tiêu dùng.
Nguy cơ mất 37% sản lượng bán ra trong năm năm tới?
Hai địa phương có hai nhà máy sản xuất ô tô lớn của cả nước là Ninh Bình và Quảng Nam cũng cùng đề xuất với VAMA, VAMI.
UBND tỉnh Ninh Bình cho biết sản xuất và tiêu thụ ô tô của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công (trên địa bàn tỉnh) có sự giảm sút lớn. Trong tháng 1-2023, sản lượng tiêu thụ ô tô chỉ đạt 2.957 xe, giảm 3.732 xe (tương đương 55,8%) so với tháng 1-2022.
Đại diện Tập đoàn Thành Công đưa ra dự báo với diễn biến của thị trường những tháng đầu năm, doanh số toàn thị trường ô tô cả năm 2023 bị cảnh báo sụt giảm xấp xỉ 17,5% so với năm 2022 (hơn 85.500 xe).
Trong trung hạn, việc sụt giảm trong năm 2023 sẽ kéo theo tốc độ ô tô hóa tại Việt Nam chậm lại so với dự kiến. Thị trường ô tô có nguy cơ mất 37% sản lượng bán ra trong năm năm tới (hơn 1,8 triệu xe).
QUANG HUY
-
Nghịch lý giá ô tô nhập khẩu
-
Thị trường ô tô tăng trưởng mạnh
-
Chiếc ô tô huyền thoại của Toyota chỉ có giá hơn 700 triệu đồng, người Việt thèm muốn
-
Những mẫu xe mạnh nhất phân khúc SUV hạng C: Góp mặt toàn tên tuổi gạo cội, xe 'made in Việt Nam' vượt trội
-
ADB nhận định: Ngành công nghiệp sáng tạo số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Châu Á, Thái Bình Dương
-
Nhà mạng có tốc độ internet di động nhanh nhất Việt Nam