Doanh nghiệp bất động sản chết dở vì ôm quỹ đất lớn
Quỹ đất nhiều song nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì không thể triển khai dự án do vướng các thủ tục hành chính. Điều này đang trở thành nghịch lý trên thị trường bất động sản hiện nay.
Doanh nghiệp nhiều đất cũng khổ
Lãnh đạo một doanh nghiệp có trụ sở tại Q.3, TP.HCM chia sẻ, đầu năm 2018 công ty hoàn tất 4 thương vụ với 4 lô đất rải rác ở các quận quy mô lên tới 7ha. Hàng ngàn tỷ đồng đã đưa vào đất nhưng các lô đất đều “đứng hình” vì chưa thể triển khai dự án, điều này khiến cho dòng tiền của công ty bị đứng.
Thực tế, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) các doanh nghiệp bất động sản như Công ty Hưng Thịnh, Nam Long, Phú Long, Sơn Kim, Lê Thành, Địa ốc Chợ Lớn... đã đồng loạt kiến nghị lên UBND TP.HCM, các sở ngành nhằm giải quyết những vướng mắc đang gặp phải trong quá trình làm dự án. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp có đất nhưng không thể sớm triển khai dự án là khá cao.
Nhiều doanh nghiệp dù có đất cũng không thể làm gì vì thủ tục hành chính, trong đó, CTCP Bất động sản Sơn Kim cũng kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về việc tính tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất công trình ngầm của dự án. Đây cũng là vướng mắc chung của tất cả các dự án có diện tích đất của công trình ngầm lớn hơn diện tích khối đế chung cư cao tầng và khu phức hợp cao tầng.
Theo đơn vị này, khi tính tiền sử dụng đất dự án theo phương pháp thặng dư, các sở, ngành, đơn vị tư vấn đã tính đủ doanh thu của toàn bộ diện tích tầng hầm, nhưng quyết định tính tiền sử dụng đất dự án lại chỉ ghi tính trên diện tích khối đế còn diện tích tầng hầm lại không được tính. Do vướng mắc này mà đến nay dự án của doanh nghiệp chưa được cấp sổ đỏ.
Đồng quan điểm, CTCP Đầu tư Nam Long và Công ty Địa ốc Phú Long cũng đề nghị được tháo gỡ về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư dự án bất động sản và trong quy trình tính tiền sử dụng đất dự án.
Chính quyền quyết tâm gỡ khó
Mới đây nhất, ngày 18/2, tại buổi làm việc về cải cách hành chính với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM cho biết đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ nhà đất từ 57 ngày xuống còn 15 ngày.
Trước đó, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM cho biết, qua thực tiễn triển khai Luật Đất đai 2013, thành phố nhận thấy có 109 điểm vướng mắc, đã kiến nghị Trung ương tháo gỡ còn 36 điểm. Đáng chú ý, quy định việc phải đấu giá đất công dù diện tích rất nhỏ tại các dự án đã đền bù xong khiến dự án không triển khai được. Vấn đề này đang được thành phố kiến nghị Trung ương sửa lại quy định trong Luật Đất đai 2013. “Nếu chậm trễ trong giải quyết thủ tục thì bản thân giám đốc sở sẽ nhận trách nhiệm. Nếu vướng về pháp luật thì doanh nghiệp cần đồng hành với các sở, ngành của thành phố để kiến nghị Trung ương sửa luật” - ông Nguyễn Toàn Thắng nêu quan điểm.
Chia sẻ trước báo chí, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, hiện nay có không ít doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại thành phố gặp vướng mắc do nhiều nguyên nhân, trong đó, có sự chồng chéo các quy định pháp luật, những vướng mắc trong việc giải quyết của các sở, ngành thành phố, chính sách siết tín dụng lĩnh vực bất động sản... Ngoài ra, một số doanh nghiệp bất động sản đang bị ảnh hưởng, tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các đợt thanh tra phức tạp, kéo dài.
Để tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản, trước mắt thành phố sẽ đề xuất Trung ương xem xét, sửa đổi quy định về thời hạn giao đất được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; hoặc kể từ ngày hoàn thành dự án đưa vào khai thác, kinh doanh.
Nguyên Vũ
-
Sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội