Địa ốc tuần qua: 3 tỷ đồng không mua nổi lô đất vẫn trồng lúa xanh rì ở quê

Thứ hai, 07/03/2022, 12:55 PM

Mặt bằng hàng trăm triệu đồng ở TPHCM trống cả năm vì không có khách thuê; 3 tỷ đồng không mua nổi lô đất ở quê: Mức đấu giá cao gấp 130 lần đền bù... là những thông tin nổi bật tuần qua.

3 tỷ đồng không mua nổi lô đất ở quê: Mức đấu giá cao gấp 130 lần đền bù

Như Dân trí đã phản ánh, tháng 1, UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) phê duyệt và ký kết với Công ty đấu giá hợp danh Minh Nhật (thành phố Hà Tĩnh) tổ chức đấu giá 9 lô đất ở nông thôn tại xã Lâm Trung Thủy. Trong đó có 8 lô đất với diện tích 160m2 với giá khởi điểm là hơn 3,5 tỷ đồng/lô và một lô diện tích 263m2 có giá khởi điểm là hơn 4,7 tỷ đồng. Và bước giá trên một lần đấu là từ 176 triệu đồng đến 237 triệu đồng, tùy theo diện tích từng lô.

Ngày 18/2, phiên đấu giá diễn ra nhưng không có ai đến tham gia. Những người dân nơi đây đã rất bất ngờ, bàn tán xôn xao khi những lô đất này được đưa ra đấu giá với mức giá "khủng" như vậy. Trung bình mỗi m2 đất có giá khởi điểm khoảng 22 triệu đồng.

Một khía cạnh khác cũng khiến dư luận quan tâm đó là việc đền bù, hỗ trợ cho những hộ dân có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi thì áp theo giá quy định của nhà nước, còn mức giá khởi điểm lúc đưa ra đấu lại theo giá thị trường.

Theo ông Lê Văn Lợi (trú thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ), cuối năm 2021 gia đình bị thu hồi 957m2 đất nông nghiệp và được đền bù, hỗ trợ với tổng số tiền gần 160 triệu đồng: "Thu hồi đất thì giá thấp khoảng 170.000 đồng/m2 nhưng đưa ra đấu cao như vậy dân cũng bất ngờ và cũng tiếc. Đến bây giờ chúng tôi cũng chưa nhận được tiền đền bù".

Những người dân nơi đây bất ngờ khi những lô đất tại thôn Hòa Bình được đưa ra đấu giá với mức giá cao ngất ngưỡng như vậy (Ảnh: X.S)

Những người dân nơi đây bất ngờ khi những lô đất tại thôn Hòa Bình được đưa ra đấu giá với mức giá cao ngất ngưỡng như vậy (Ảnh: X.S)

Mặt bằng hàng trăm triệu đồng ở TPHCM trống cả năm vì không có khách thuê

Nhiều chủ nhà trên các tuyến đường trung tâm TPHCM đang "mất ăn, mất ngủ" khi chứng kiến mặt bằng từng mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng bị bỏ trống cả năm. Dù giảm giá thuê và có nhiều hỗ trợ khác nhưng họ vẫn chưa tìm được người thuê.

Ghi nhận tại các tuyến đường như Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Lê Lai, Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu… nhiều mặt bằng vẫn đang treo biển tìm khách thuê. Nhiều mặt bằng đã nằm trong tình trạng "cửa đóng then cài" suốt cả năm qua.

Bà Thu, bán nước ngay khu vực vỉa hè đường Đồng Khởi (quận 1), cho hay: "Tôi bán ở đây hơn 20 năm, chưa bao giờ thấy con đường này buồn đến vậy. Những mặt bằng ở đây chuyên kinh doanh phục vụ khách du lịch. Nhưng khi du lịch phải đóng cửa hơn 2 năm qua vì dịch Covid-19 nên những mặt bằng ở đây cũng "đắp chiếu" ngần ấy thời gian".

Mặc dù TPHCM đã bước vào giai đoạn

Mặc dù TPHCM đã bước vào giai đoạn "bình thường mới" được gần 5 tháng nhưng hàng loạt mặt bằng cho thuê có giá hàng trăm triệu đồng mỗi tháng vẫn bỏ trống khiến nhiều chủ nhà "mất ăn mất ngủ" (Ảnh: Ip Thiên)

Đề xuất cách siết phân lô bán nền, hạn chế đầu cơ, Bộ Xây dựng nói gì?

Trước tình trạng phân lô bán nền tràn lan, đầu cơ để hoang lãng phí, cử tri đề nghị cần quy định số lượng căn nhà với tỷ lệ nhất định (tối thiểu 10-30%) trên tổng số các lô đất của toàn dự án.

Trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, quy định pháp luật hiện hành cho phép các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và khu nhà ở trong một số trường hợp được áp dụng việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân (hộ gia đình, cá nhân) tự xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, để xem xét việc có áp dụng quy định nêu trên hay không thì UBND cấp tỉnh cần căn cứ điều kiện, nhu cầu phát triển đô thị tại từng địa phương và sự phù hợp trong đề xuất của từng chủ đầu tư trước khi quyết định cho phép áp dụng, nhằm đảm bảo các yêu cầu quản lý Nhà nước trong đầu tư phát triển đô thị theo quy định.

Trường hợp UBND cấp tỉnh cho phép các dự án được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, thì UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo việc đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan có liên quan và chủ đầu tư đã được quy định, theo Bộ Xây dựng.

Đất nền phân lô các dự án khu dân cư tương đối nhiều nhưng nhiều trường hợp mua bán đất để đầu cơ chứ không có nhu cầu xây dựng nhà để ở (Ảnh: Trần Kháng).

Đất nền phân lô các dự án khu dân cư tương đối nhiều nhưng nhiều trường hợp mua bán đất để đầu cơ chứ không có nhu cầu xây dựng nhà để ở (Ảnh: Trần Kháng).

Dự án 262 ha của Crystal Bay ở Hà Tĩnh: Bộ Xây dựng vạch ra loạt vấn đề

Bộ Xây dựng vừa trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề nghị cho ý kiến thẩm định Dự án công viên trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City (viết tắt là dự án đầu tư) do Công ty cổ phần Crystal Bay đề xuất.

Tại văn bản này, Bộ Xây dựng đã đưa ra một loạt lưu ý về căn cứ pháp lý, điều kiện chọn nhà đầu tư, hình thức kinh doanh sản phẩm, sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch đô thị… đối với dự án lớn này.

Về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch đô thị, theo hồ sơ đề xuất dự án công viên trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City có quy mô khoảng 262 ha thuộc các phường Nam Hà, Văn Yên, Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2738 ngày 30/7/2021.

Phối cảnh dự án Lam Hồng Garden Park City Hà Tĩnh (Ảnh: IT).

Phối cảnh dự án Lam Hồng Garden Park City Hà Tĩnh (Ảnh: IT).

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, một số chức năng sử dụng đất ở, xây dựng chung cư, thương mại và định hướng phát triển không gian, hệ thống hạ tầng xã hội, cây xanh… trong khu vực đề xuất dự án đầu tư chưa phù hợp với Quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh (theo Quyết định số 3926/QĐ-UBND ngày 9/10/2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Căn hộ ở tỉnh 40 triệu đồng/m2 vẫn bán chạy vì giá nhà TPHCM quá cao

Theo báo cáo mới đây của Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ sơ cấp tại TPHCM năm 2021 chỉ đạt 11.700 căn, thấp hơn 54% so với 2020 và là mức thấp nhất trong 5 năm qua, dù các chủ đầu tư đã nhanh chóng bán hàng trở lại trong quý IV sau thời gian dài giãn cách xã hội. Ở phân khúc nhà phố và biệt thự, nguồn cung tại TPHCM năm qua cũng giảm đến 65% với chỉ 1.200 sản phẩm, con số thấp kỷ lục từ năm 2016.

Nguồn cung hạn chế, còn nhu cầu từ người mua rất lớn với minh chứng cụ thể tỷ lệ hấp thụ sản phẩm căn hộ lên tới 81%, đã đẩy giá bán bất động sản ở TPHCM tiếp tục tăng. Với dòng sản phẩm căn hộ, Savills thống kê giá bán bình quân các dự án hạng C đã lên tới 56,5 triệu đồng/m2, tăng 27% so với năm ngoái. Còn sản phẩm bất động sản liền thổ với giá bán từ 18 tỷ đồng/căn trở lên ngày càng phổ biến. Riêng trong quý IV/2021, các sản phẩm có giá bán trên 18 tỷ đồng chiếm đến 90% tổng lượng bán ra.

Trong bối cảnh cơn khát nguồn cung vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện tại TPHCM, Bình Dương đang trở thành khu vực có nguồn căn hộ bình dân lý tưởng thay thế nhờ giá bán cạnh tranh hơn cùng tốc độ đô thị hóa cao.

Nguyễn Khánh

Theo dantri.com.vn

largeer