Để Quảng Ninh phát huy tối đa tiềm năng kinh tế di sản

Thứ bảy, 21/12/2024, 14:55 PM

Theo GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực to lớn nhưng Quảng Ninh vẫn chưa thể khai thác, phát huy tối đa tiềm năng kinh tế di sản của tỉnh. Một số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chưa được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị một cách hiệu quả.

Để Quảng Ninh phát huy tối đa tiềm năng kinh tế di sản- Ảnh 1.


Sáng 21/12, tại Quảng Ninh, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh đồng tổ chức Hội thảo khoa học "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - Góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh".

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; PGS. TS. Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản… chủ trì Hội thảo.

Theo thống kê, đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 630 di tích, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh và hơn 400 di tích đã được kiểm kê; 362 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó di tích nổi tiếng trong và ngoài nước, thu hút đông đảo nhân dân và du khách là Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long 3 lần được UNESCO vinh danh là di sản thế giới với các giá trị về thẩm mỹ và địa chất, địa mạo.

Hay Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308). Trong lịch sử, Yên Tử luôn là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn)

Các nguồn di sản này đã và đang là nguồn lực quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản. Nhưng đây là một lĩnh vực mới, nên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được thảo luận.

Để Quảng Ninh phát huy tối đa tiềm năng kinh tế di sản- Ảnh 2.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn và chỉ đạo Hội thảo - Ảnh: BTC

Vai trò của di sản chưa được nhận thức đầy đủ

Phát biểu đề dẫn và chỉ đạo Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, điều cốt lõi của kinh tế di sản là sự gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Đây không chỉ là việc khai thác giá trị kinh tế, mà còn là trách nhiệm bảo vệ các di sản cho các thế hệ tương lai, thông qua sự kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát huy các yếu tố văn hóa, lịch sử và tự nhiên với tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua đã cho thấy tư duy vượt trước của tỉnh, để lại nhiều kinh nghiệm quý cho các địa phương trong cả nước. Đó là chiến lược về một mô hình phát triển bền vững, rõ nét ngay từ các quy hoạch chiến lược của tỉnh, gắn liền với quá trình chuyển đổi từ "kinh tế nâu" sang "kinh tế xanh". Lấy trọng tâm là di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tỉnh đã định hình các chính sách phát triển một cách dài hạn, không chỉ khai thác tiềm năng du lịch mà còn đặt ưu tiên cao vào việc gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử và bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, luật pháp và chính sách khẳng định mạnh mẽ vai trò của các di sản văn hoá và thiên nhiên trong sự nghiệp phát triển đất nước; đồng thời triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm bảo vệ và khai thác giá trị di sản một cách hợp lý, bền vững đạt được những kết quả to lớn, rất đáng tự hào.

Các di sản văn hóa và thiên nhiên đã phát huy vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, chúng ta cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập vẫn còn đang tồn tại.

Có một thực tế là, ở một số nơi, vai trò của di sản là nguồn lực và động lực cho phát triển chưa được nhận thức đầy đủ; chưa xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, nhất là trong liên kết vùng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa về cơ bản vẫn được xem là một nhiệm vụ của ngành văn hóa. Nguồn lực đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa và thiên nhiên còn hết sức hạn chế. Giá trị kinh tế của di sản chưa được xem xét một cách thỏa đáng. Cách tiếp cận liên ngành kinh tế học di sản đối với các di sản văn hóa và thiên nhiên còn chưa được quan tâm đúng mức.

Để Quảng Ninh phát huy tối đa tiềm năng kinh tế di sản- Ảnh 3.
Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, phát biểu chào mừng hội thảo - Ảnh: BTC

Trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực to lớn nhưng Quảng Ninh vẫn chưa thể khai thác, phát huy tối đa tiềm năng kinh tế di sản của tỉnh. Một số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chưa được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị một cách hiệu quả, thậm chí bị đe dọa bởi quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và khai thác du lịch ồ ạt, dẫn đến nguy cơ mất đi giá trị nguyên bản. 

Tỉnh vẫn còn thiếu các sản phẩm, dịch vụ đa dạng và chất lượng cao để kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách. Sự gắn kết giữa di sản văn hóa với các ngành kinh tế khác như du lịch, thương mại, và công nghiệp sáng tạo còn hạn chế. Nhận thức của người dân về giá trị và trách nhiệm bảo tồn di sản chưa đồng đều, dẫn đến tình trạng khai thác thiếu bền vững.

"Bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế gia tăng các cơ hội quảng bá, truyền thông và marketing về di sản, song cũng đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện phương thức, chuẩn mực phục vụ người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế di sản. Quảng Ninh cần học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình phát triển kinh tế di sản của thế giới; mặt khác, có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của mình với các địa phương khác trong cả nước, tạo nên hệ sinh thái kinh tế di sản để cùng phát triển bền vững", ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Để Quảng Ninh phát huy tối đa tiềm năng kinh tế di sản- Ảnh 4.
Ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, tham luận tại Hội thảo - Ảnh: BTC

Hiện đại hóa công cụ quản lý di sản

Theo ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, tỉnh đang phải đối diện với không ít thách thức trên con đường phát triển kinh tế di sản như chưa có nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn thúc đẩy; nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh Quảng Ninh tuy đã được tích hợp vào các quy hoạch phát triển chung cấp tỉnh, cấp huyện (hiện nay đã quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050) nhưng việc lập các quy hoạch này chưa xem xét hệ thống di sản theo các dạng cấu trúc không gian địa - văn hóa đặc trưng như ở một số trung tâm văn hóa, du lịch lớn, do đó còn khó khăn cho việc kết nối hạ tầng trong các lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế đêm tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Ngoài ra, sự thiếu vắng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bốn mùa đã làm giảm sức hút của kinh tế du lịch và dịch vụ, nhất là đối với nhu cầu của khách du lịch quốc tế có mức chi tiêu lớn đến từ các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Bắc Mỹ.

Công nghiệp văn hóa gắn với phát huy lợi thế của di sản của địa phương chưa phát triển mạnh như ở một số tỉnh, thành phố khác trong thời gian gần đây. Hạ tầng du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của các di sản thiên nhiên trên địa bàn…

Từ đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh thời gian tới.

Trong đó, cần tiếp tục rà soát, đổi mới quy hoạch hạ tầng du lịch văn hóa, đặc biệt là quy hoạch các tuyến du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm văn hóa, lịch sử kết hợp du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp cao theo hướng tăng cường tính liên kết vùng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hiện đại hóa công cụ quản lý di sản, ứng dụng công nghệ, (như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được đưa vào hệ thống bảo tàng, phục dựng di sản bằng công nghệ 3D…). Tiếp tục cập nhật, số hóa hồ sơ di sản trên cơ sở khai thác có hiệu quả các nguồn tư liệu mới phát hiện trong nước và quốc tế được sưu tầm, phổ biến.

Theo ông Phương, việc làm giàu hồ sơ di sản văn hóa sẽ góp phần nâng cao được giá trị của di sản và giúp cho việc giáo dục, phổ biến tri thức văn hóa, lịch sử gắn với di sản một cách chân thực hơn.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 80 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý ở các lĩnh vực khác nhau. Theo đó, các tham luận đã làm rõ thực trạng, những thế mạnh, cùng với cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, các mâu thuẫn, lực cản về cơ chế, chính sách và trong thực thi các cơ chế, chính sách để tỉnh Quảng Ninh phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực kinh tế di sản, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển đã đề ra trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, năm 2045.

Theo Anh Thơ (Báo Chính phủ)
https://baochinhphu.vn/de-quang-ninh-phat-huy-toi-da-tiem-nang-kinh-te-di-san-10224122111505764.htm
Từ khóa: