Dạy 2 buổi/ngày: Triệu gia đình nhẹ gánh nhưng ngành giáo dục chưa thể 'tự xoay'
Thứ năm, 15/05/2025 06:35 (GMT+7)
Từ năm học 2025–2026, học sinh tiểu học và THCS trên cả nước sẽ được học 2 buổi/ngày mà không phải đóng thêm bất kỳ khoản học phí nào. Đây là chỉ đạo trực tiếp từ Tổng Bí thư Tô Lâm – một chủ trương mang đậm tính nhân văn, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự quan tâm sâu sắc đến tương lai của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu ngành giáo dục và chính quyền các địa phương chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai dạy học 2 buổi/ngày miễn học phí tại bậc tiểu học và THCS từ năm học 2025–2026. Tổng Bí thư cũng thống nhất chủ trương Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và THCS ở các xã biên giới, trong đó ưu tiên các xã biên giới miền núi (bao gồm cả học sinh là người dân tộc thiểu số và học sinh là người dân tộc Kinh sinh sống tại các xã biên giới).
Chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc này không chỉ giảm gánh nặng chi phí cho hàng triệu gia đình, nhất là ở vùng sâu, vùng xa mà còn giúp cho học sinh mọi miền đều có cơ hội học tập đầy đủ. Chính vì vậy, chính sách này đã nhận được sự đồng thuận cao từ các thầy cô giáo, phụ huynh và chuyên gia.
Đỡ gánh nặng cho hàng triệu gia đình
Với nhiều phụ huynh, đặc biệt là ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa, việc con cái được học 2 buổi/ngày mà không phải lo chi phí thêm là một niềm vui lớn.
Chị Nguyễn Thị Mai (45 tuổi, xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) xúc động chia sẻ:
"Con tôi học lớp 4, trước giờ chỉ học buổi sáng, buổi chiều tôi phải gửi thêm học thêm hay để ở nhà tự học mà lo lắm. Nghe tin sang năm các cháu được học cả ngày, lại còn miễn phí, tôi mừng không tả xiết. Nhẹ được một phần chi phí, mà quan trọng hơn là con được học hành đầy đủ, an toàn".
Chính sách học 2 buổi/ngày và miễn học phí sẽ gỡ gánh nặng cho hàng triệu gia đình. Ảnh: Quỳnh Chi
Chị Lê Thị Hồng (43 tuổi, xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) bày tỏ: "Nhà tôi khó khăn, lo đủ sách vở cho con đã vất vả, đâu dám mơ con được học 2 buổi/ngày. Nghe tin từ năm 2025, con được học cả ngày, lại miễn học phí, có bữa trưa hỗ trợ, tôi mừng rơi nước mắt. Đây thật sự là chính sách nhân văn, giúp gia đình nghèo như tôi nhẹ gánh, yên tâm cho con đến trường".
Không riêng gì các vùng khó khăn, tại đô thị, niềm vui cũng lan tỏa. Anh Mai Tuấn Hiệp (37 tuổi, quận Long Biên, TP Hà Nội) cho biết: "Hai vợ chồng đi làm cả ngày, con học một buổi rồi gửi bán trú, mỗi tháng tốn hơn một triệu bạc. Nếu giờ học cả ngày miễn phí thì quá tốt. Nhà nước quan tâm thế này, chúng tôi càng yên tâm làm ăn".
Nâng giờ học cần nâng cả điều kiện học
Tại Hà Nội, gần 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Nhưng ở bậc THCS, tỉ lệ này còn thấp và có sự chênh lệch rõ rệt giữa các quận, huyện. Quận Ba Đình mới đạt 55%, quận Hai Bà Trưng khoảng 50%. Quận Cầu Giấy chỉ tổ chức được cho học sinh khối 6, 7 ở 7/11 trường THCS.
Theo các một trưởng phòng GD&ĐT quận nội thành Hà Nội, ba trở ngại lớn nhất hiện nay là: thiếu phòng học, thiếu giáo viên ở một số môn và chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung dạy buổi thứ hai theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngoài ra, vấn đề tài chính cũng là thách thức không nhỏ. Hiện nay, học sinh THCS đang đóng 235.000 đồng/tháng để học buổi 2 theo quy định của HĐND TP. Nếu miễn phí hoàn toàn, cần có giải pháp bù đắp ngân sách để các trường duy trì hoạt động ổn định.
“Chủ trương dạy 2 buổi/ngày miễn phí là chính sách rất nhân văn, đặc biệt buổi thứ 2 chú trọng đến phát triển văn hóa, nghệ thuật, sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện, khi thực hiện đồng loạt trên cả nước sẽ tạo ra sự công bằng trong tiếp cận giáo dục. Song để thực hiện ngay sẽ rất khó khăn mà cần lộ trình cụ thể, đặc biệt là khắc phục những khó khăn, tồn tại về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên", vị này cho biết.
Việc dạy miễn phí 2 buổi/ngày được toàn xã hội ủng hộ nhưng cơ sở vật chất, số lượng giáo viên hiện tại chưa thể đáp ứng ngay. Ảnh minh họa: Trịnh Hải
Cô Nguyễn Thục Anh, giáo viên THCS tại Hà Nội cho rằng, dạy 2 buổi/ngày không thu học phí là chính sách nhân văn, giúp học sinh phát triển toàn diện cả kiến thức, năng khiếu và kỹ năng sống. “Nếu triển khai hiệu quả, chính sách này còn góp phần hạn chế tình trạng học thêm tràn lan, giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh”, cô nói.
Tuy nhiên, theo cô Thục Anh, để thực hiện, cần giải quyết bài toán thiếu giáo viên và trường lớp. “Ngay ở Hà Nội vẫn còn trường phải học luân phiên vì thiếu cơ sở vật chất. Ngoài ra, cần có hướng dẫn rõ ràng về thù lao cho giáo viên dạy buổi thứ hai. Không thể mãi vận động dạy miễn phí hoặc hỗ trợ với mức quá thấp so với quy định”, cô bày tỏ.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nhận định: “Dạy 2 buổi/ngày là bước tiến trong xây dựng nền giáo dục hiện đại, bình đẳng. Học sinh không chỉ học kiến thức mà còn được tiếp cận văn hóa, nghệ thuật, thể chất. Nhưng muốn làm được, phải có đủ trường lớp, giáo viên, chương trình phù hợp và sự phối hợp liên ngành – không thể để ngành giáo dục ‘tự xoay’”.
Ông cũng lưu ý, nhiều trường hiện vẫn thiếu sân chơi, phòng chức năng, thiếu giáo viên năng khiếu. “Không thể nâng giờ học mà không nâng điều kiện học”, TS Lâm nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục – ĐHQG Hà Nội, cho rằng chỉ đạo miễn học phí, hỗ trợ bữa trưa là quyết định tiên phong, nhân văn và thiết thực. “Chính sách này nếu triển khai tốt tại vùng sâu, vùng xa sẽ giúp học sinh đến lớp đều hơn, giảm bỏ học vì khó khăn kinh tế”.
Ông khẳng định: “Nếu thực hiện hiệu quả, chúng ta sẽ từng bước thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, tạo sự công bằng trong cơ hội học tập – một khoản đầu tư xứng đáng cho tương lai đất nước”.
Ngoài ra, theo các chuyên gia giáo dục, việc hỗ trợ bữa ăn học đường không chỉ đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh học tập tốt, mà còn góp phần giữ sĩ số lớp, giảm tình trạng bỏ học và nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện.
Cả nước đang thiếu nghiêm trọng giáo viên. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, điều tiết, bổ sung biên chế kịp thời, đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp, tổ chức dạy học hiệu quả.
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nếu không có hướng dẫn rõ ràng sẽ dễ rơi vào tình trạng "vừa dạy chính khóa, vừa như dạy thêm", gây chồng chéo với quy định cấm dạy thêm thu tiền trong nhà trường.
Hơn 10 ngày nữa là khai giảng năm học mới, song hàng ngàn học sinh lớp 1 ở TPHCM, nhất là quận 12 vẫn chưa biết có được đến trường hay không. Nhiều trường phải giảm lớp học 2 buổi/ngày để có chỗ tiếp nhận thêm học sinh.
Trưa 14/5, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã công bố số thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2025-2026 có hơn 83.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó nguyện vọng vào lớp chuyên giảm cơ hội do chỉ còn ba trường tuyển sinh.
Thông tin từ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, thời gian gần đây, đơn vị liên tục tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị đỉa suối ký sinh trong tai, mũi, họng
Theo kết quả vừa công bố, một người đàn ông trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) trúng đấu giá cả lô 6 ô tô của Văn phòng Bộ Công thương với số tiền gần 500 triệu đồng.
Trong quá trình chỉ huy, điều hành công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ vụ cháy nhà xưởng, Thượng tá Công an bị mảnh kính (do nhiệt lượng lớn tác động dẫn đến nổ vỡ, bắn) cứa vào vai trái, dẫn đến bị thương.
Giám đốc Công an TP Hà Nội đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 2 cán bộ thuộc Công an TP Hà Nội để làm rõ sai phạm, trách nhiệm trong các vụ việc.
Thuê xe tự lái đang là lựa chọn của nhiều người, tuy nhiên nếu chỉ được giao giấy đăng ký xe (cà vẹt) bản photo, khách hàng có thể bị phạt. Còn giao bản gốc, chủ xe lại đối mặt với nhiều rủi ro.