Đầu năm nộp thuế TNCN, cuối năm thất nghiệp có được hoàn thuế?
Trong trường hợp người lao động đầu năm đã tạm nộp thuế đầu năm, nhưng cuối năm thất nghiệp do COVID-19 thì có được hoàn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) không?
Khi nào tạm nộp thuế TNCN?
Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, nếu phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khai và tạm nộp thuế thu nhập cho người lao động của đơn vị mình, trừ trường hợp có thỏa thuận.
Theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, mức giảm trừ gia cảnh áp dụng trong các tháng, quý và kỳ tính thuế 2021 đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Sau khi tính các khoản giảm trừ và các khoản thu nhập khác được miễn thuế TNCN, nếu có phát sinh khấu trừ thuế sẽ tạm nộp thuế TNCN (khai nộp theo tháng hoặc theo quý).
Ví dụ, anh A có thu nhập mỗi tháng là 15 triệu đồng (đã tính các khoản được miễn, không tính thuế thu nhập theo quy định) và A không đăng ký người phụ thuộc. Khi đó A sẽ phải tạm nộp thuế theo quy định đối với khoản thu nhập tính thuế là 4 triệu đồng.
Cuối năm thất nghiệp có được hoàn thuế?
Trong năm 2021, nhiều người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc nghỉ việc không lương do tác động của đại dịch COVID-19. Vậy, khi người lao động đầu năm đã tạm nộp thuế nhưng cuối năm thất nghiệp có được hoàn thuế TNCN không?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 8 Luật Thuế TNCN năm 2007, việc hoàn thuế TNCN được quy định cụ thể với 3 trường hợp, bao gồm:
Trường hợp 1: Số tiền thuế thu nhập cá nhân đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp.
Trường hợp 2: Cá nhân đã nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế.
Trường hợp 3: Các trường hợp khác theo quyết định cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, mặc dù người lao động thất nghiệp và đã tạm nộp thuế TNCN, nhưng chỉ cần thuộc trường hợp trên thì sẽ được hoàn thuế TNCN theo quy định.
Ví dụ, thu nhập của anh B trong 6 tháng đầu năm 2021 là 120 triệu đồng (mỗi tháng là 20 triệu đồng) và anh B không có người phụ thuộc. Theo đó, 6 tháng đầu năm, anh B đã tạm nộp thuế TNCN nhưng 6 tháng cuối năm B bị mất việc làm vì dịch COVID-19.
Mặc dù mỗi tháng thu nhập 20 triệu đồng nhưng tổng thu nhập cả năm của B không cao hơn mức giảm trừ gia cảnh (không vượt quá 132 triệu/năm); khi đó B được hoàn thuế TNCN nếu có đề nghị.
Điều kiện được hoàn thuế TNCN
Điều 28 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Điều 23 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định, việc hoàn thuế TNCN áp dụng với cá nhân đã đăng ký, và có mã số thuế tại thời điểm nộp hồ sơ quyết toán. Bên cạnh điều kiện có mã số thuế thì cá nhân người lao động phải có yêu cầu hoàn thuế.
Cụ thể, trường hợp cá nhân đã ủy quyền quyết toán thuế cho nơi trả thu nhập thực hiện quyết toán thuế thay, thì việc hoàn thuế của cá nhân được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập.
Đối với cá nhân thuộc diện khai trực tiếp với cơ quan thuế có thể lựa chọn hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ sau tại cùng cơ quan thuế.
Tóm lại, nếu cá nhân thuộc trường hợp hoàn thuế và có đề nghị hoàn thì được hoàn thuế theo quy định, nếu không đề nghị hoàn sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế sau.
Quỳnh Anh
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội