Đất Cần Giờ có thật sự đang sốt?
Thị trường bất động sản Cần Giờ thời gian qua không ngừng “nhảy múa”. Gần đây, thông tin TP.HCM duyệt phương án thiết kế xây cầu Cần Giờ, một lần nữa làm cho giá đất huyện đảo này tăng dựng đứng. Thế nhưng trên thực tế, thị trường địa ốc ở đây có thật sự đang sốt hay chỉ là những “chiêu” thổi giá của các cò đất?
Đua nhau hét giá
Trong vai khách hàng tìm đất mua đầu tư, chúng tôi tiếp cận một “cò đất” trên đường Rừng Sác, cách bến phà Bình Khánh khoảng 1km. Theo “cò đất” tên Dũng, khu vực dọc 2 bên đường Rừng Sác giá đất hiện tăng 30-50% so với trước Tết. Nguyên nhân chính của việc tăng giá này là thông tin sắp xây cầu Cần Giờ.
Cũng theo “cò” Dũng, trước Tết giá đất mặt tiền đường Rừng Sác có giá khoảng 10-12 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên 15-18 triệu đồng/m2. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư từ TP.HCM xuống hỏi mua đất nhưng đất thì có hạn, ai đã bán rồi thì còn đất đâu mà bán nữa nên việc người dân “găm đất” chờ tăng giá càng khiến giá đất tăng chóng mặt.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế thì các trung tâm môi giới ở khu vực đường Rừng Sác hầu hết đều đóng cửa, khác hẳn với những thông tin đồn thổi về sự náo nhiệt của hoạt động giao dịch, mua bán đất ở đây. Phải chăng các “cò” này chạy ra ngoài để “săn đất” cho khách hàng?
Tại khu vực đường Duyên Hải, trung tâm thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, liên hệ với một sàn giao dịch bất động sản, chúng tôi được nhân viên tên Ngọc Thủy cho biết, giá đất tại Cần Giờ không phải đến khi có thông tin xây cầu mới tăng mà trước đó đã tăng rồi. Hiện mặt tiền đường Duyên Hải có giá từ 30-35 triệu đồng/m2, so với trước Tết thì thông tin xây cầu đã khiến giá đất tăng 50%. Cũng theo nhân viên tên Thủy, giá đất mặt tiền biển cũng dao động từ 30-32 triệu đồng/m2.
Hiện Cần Giờ có 3 điểm hoạt động mua bán nhà đất sôi động nhất, đó là khu vực đường Rừng Sác, (cách bến phà Bình Khánh khoảng 1km), khu vực xã Long Hòa và khu vực thị trấn Cần Thạnh (với khu tái định cư Giồng Ao). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá đất tại Cần Giờ tăng thời gian qua không phản ánh đúng giá trị thực, bởi đây là các hư chiêu thổi giá nên nhà đầu tư cẩn thận, tìm hiểu kỹ trước khi xuống tiền.
Cẩn trọng kẻo sập bẫy cò
Theo anh Bình, một người dân có nhà mặt tiền đường Duyên Hải, thị trấn Cần Thạnh cho biết, đất Cần Giờ đang bị cò đất thổi giá, làm giá dữ quá. Cách đây vài tháng, giá đất tại nhà anh khoảng 20 triệu đồng thì nay khu vực này đã bị cò “đôn” lên 30 triệu đồng/m2, thậm chí có một số vị trí còn bị cò hét lên 33 -35 triệu đồng.
“Cần tiền, tôi kêu bán 1 lô đất mặt tiền đường Duyên Hải có diện tích 614m2 và nhờ các trung tâm môi giới giới thiệu khách với giá 25 triệu đồng/m2. Giá này thấp hơn giá các cò đưa ra từ 8-10 tirệu đồng. Tuy nhiên 2 tuần nay có thấy khách hàng nào đến hỏi mua đâu, toàn là các cò đất lâu lâu gọi hỏi thăm thôi” - anh Bình chia sẻ thêm.
Còn theo ông Đạo, một người dân sống tại khu vực chợ hải sản Hàng Dương, giáp khu dân cư lấn biển Cần Giờ cho hay, mấy ngày gần đây, nhiều cò đất cứ lùng sục các nhà dân hỏi mua đất khiến giá đất ở đây tăng lên đáng kể. Thông tin sắp xây cầu và khu dân cư lấn biển sắp triển khai nên giá đất bắt đầu rục rịch tăng.
“Không biết khi nào cầu mới xây vì chỉ mới có thông tin duyệt thiết kế thôi thì cũng chưa chắc ăn lắm bởi cây cầu Cát Lái cũng đã từng phê duyệt rồi nhưng đến nay vẫn chưa thấy xây dựng, liệu cầu Cần Giờ có lặp lại điệp khúc đó nữa không. Còn khu dân cư lấn biển thì bao nhiêu năm vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, chặn hết lối xuống biển của người dân mà chưa biết khi nào mới làm. Tôi không hiểu giá đất tăng vì cái gì” - ông Đạo chia sẻ thêm.
Mới đây, thông tin một cò đất rao bán một lô đất hơn 1ha tại xã Long Hòa, nằm cách khu dân cư lấn biển Cần Giờ khoảng 400m với giá 11 triệu đồng/m2. Thông tin trên lập tức khiến dư luận quan tâm và gây xôn xao trong người dân huyện đảo.
Theo các chuyên gia, với mức giá hơn 100 tỷ đồng cho 1ha đất hỗn hợp tại một khu vực chưa có hạ tầng đồng bộ, quy hoạch chưa ổn định và thiếu vắng các dịch vụ tiện ích đi kèm thì thật sự không thuyết phục người mua. Bởi đất hỗn hợp (đất lúa, nông nghiệp, thổ cư, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản...) tại một số xã, huyện vùng sâu vùng xa của Sài Gòn có vị thế tương đồng với Long Hòa cũng chưa thể cào bằng mức giá 11 triệu đồng mỗi m2 cho lô đất lên đến 10.000 m2. Chưa kể chi phí cơ hội mà người mua phải đánh đổi là khá lớn, vì khi bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy chưa chắc sẽ thu về trong ngắn hạn và trung hạn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cảnh báo, hiện dân đầu cơ, đầu tư đang chiếm tỷ lệ 60-70% trên thị trường giao dịch nhà đất. Những người có nhu cầu thực và có nguồn tiền nhàn rỗi, không bị áp lực trả nợ thì vẫn có thể đầu tư cho các dự án theo hạ tầng nhưng phải tìm kiếm từng dự án phù hợp. Tuy nhiên, người dân không nên chạy theo cơn sốt hạ tầng mà đổ xô đi đầu cơ đất tại đây và chịu rủi ro lớn.
“Việc xây cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ là có thật, không phải là ảo nhưng vấn đề là nó hoàn thành lúc nào. Việc chấp thuận chủ trương cho tới khi triển khai công trình, hoàn thiện trong thực tế mất rất nhiều thời gian. Mỗi lần có thông tin mới về hạ tầng, thị trường lại xuất hiện những cơn sốt đất ảo. Sau khi cơn sốt đi qua thì các dự án ăn theo cũng dễ bị đóng băng, không ít dự án trong cảnh đắp chiếu. Đây là cái giá phải trả của việc chạy theo hạ tầng, dự án. Vì vậy, khách hàng cần tỉnh táo để không bị dính bẫy mà cò nhà đất giăng ra.
Tấn Lợi
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội