Đánh thuế VAT với hàng hóa dưới 1 triệu đồng: Làm ngay và luôn
Trong bối cảnh thương mại điện tử đang bùng nổ, nhiều người dân và các chuyên gia cho rằng đánh thuế hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử là cần thiết.
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025. Đây cũng là lý do vì sao Việt Nam hấp dẫn các ông lớn thương mại điện tử xuyên biên giới tới đầu tư.
Đáng chú ý, theo số liệu của Tổng công ty CP Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3-2023, trung bình khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100 - 300 nghìn đồng, hằng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử.
Mới đây, ngày 29-10, giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ sẽ bãi bỏ quyết định 78/2010 về việc miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn TMĐT.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng
Bày tỏ quan điểm xoay quanh vấn đề này, chị Nguyễn Châu (Cầu Giấy, Ba Đình) cho rằng, trước đây, tiểu thương "đánh" hàng giá trị nhỏ từ nước ngoài về Việt Nam không có nhiều lợi nhuận do chi phí vận chuyển, lưu kho quá cao.
Nhưng thời điểm này, với sự phát triển của công nghệ, cũng như thương mại điện tử, chi phí vận chuyển giảm đi cho nên hàng giá trị nhỏ từ nước ngoài về Việt Nam bán được nhiều.
"Việc thu thuế với hàng giá trị nhỏ nhập khẩu thể hiện sự công bằng, bình đẳng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà bán quốc tế và trong nước. Do vậy, tôi ủng hộ việc thu thuế VAT với mặt hàng này", chị Châu bày tỏ.
Còn anh Minh Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chủ shop thời trang trên một sàn TMĐT, cho biết việc áp thuế VAT với hàng nhập khẩu giá rẻ trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Việc này vừa tạo sự công bằng vừa giảm áp lực cho các nhà bán hàng trong nước.
"Hiện cá nhân trong nước bán hàng online phải chịu thuế phí tính bằng 1,5% nhân tổng doanh thu, cộng thêm các loại chi phí khác, lợi nhuận còn lại chỉ 3%-4%, thậm chí có tháng lỗ vì phải chạy chương trình để cạnh tranh với đối thủ và hàng nước ngoài.
Nếu chúng tôi bán giá cao, khách sẽ chuyển sang mua hàng của shop nước ngoài vì giá rẻ hơn. Khách cứ thấy ai bán rẻ là mua, ít để ý đến chất lượng, trong khi mua hàng trong nước việc bảo hành và đổi trả dễ hơn nhiều", anh Đức nói.
Không để doanh nghiệp nội địa bị "đè bẹp" bởi chính sách miễn thuế
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế cho hay, những năm gần đây, TMĐT bùng nổ, phát triển mạnh mẽ, việc miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT) với các loại hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống đã tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tràn ngập tại thị trường Việt Nam.
Thực tế, có tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế này mà đơn hàng được xé nhỏ còn vài ba trăm nghìn để trốn tránh thuế, gây thất thu thuế rất lớn cho ngân sách.
Về nguyên tắc, hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu, giá bán đến tay người tiêu dùng sẽ rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Thế nhưng, giá bán hàng hóa nhập khẩu loại này đến tay người tiêu dùng trong nước thực tế lại không hề giảm, dù hàng không có thuế.
Người mua hàng vẫn phải mua với giá như hàng sản xuất trong nước có thuế vì giá bán là do thỏa thuận giữa người mua và người bán. Chênh lệch này người bán sẽ được hưởng.
Điều này không chỉ gây thất thu rất lớn cho ngân sách nhà nước mà còn tạo ra sự bất bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước và gây thiệt hại cho người mua hàng. Do đó, bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống là hoàn toàn cần thiết. Nhằm đảm bảo công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước, ngăn chặn tình trạng thất thu ngân sách nhà nước.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho hay, để đảm bảo tính bình đẳng trong kinh doanh thì việc đánh thuế với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ, đặc biệt qua kênh TMĐT là một biện pháp cần được tính đến để thực hiện.
Theo ông, hiện nay, việc mua bán qua các trang TMĐT, các sàn TMĐT và kinh tế số ngày càng phát triển. Vì vậy, việc thống kê, tính toán để thu thuế với đơn hàng dưới 1 triệu đồng được nhập khẩu chắc chắn không còn phức tạp như trước đây.
"Để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng với người kinh doanh hàng hóa sản xuất trong nước đã đến lúc cần số hóa hoạt động quản lý, theo dõi, thu thuế với hoạt động kinh doanh buôn bán trên sàn thương mại điện tử, hàng nhập khẩu giá trị nhỏ bán qua nền tảng mạng xã hội", ông Thịnh nêu quan điểm.
Về mặt lợi ích, việc áp dụng thuế VAT sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Hiện nay, với việc miễn thuế VAT cho các đơn hàng giá trị nhỏ qua TMĐT, Nhà nước đang thất thu một khoản thuế đáng kể. Việc đánh thuế VAT sẽ giúp bù đắp khoản thất thu này, đồng thời góp phần tăng cường sự công bằng trong hệ thống thuế.
Ngoài ra, việc thu thuế VAT cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho các DN trong nước, bởi DN sản xuất trong nước vốn đã phải chịu thuế VAT đầy đủ cho sản phẩm, trong khi hàng hóa nhập khẩu qua TMĐT lại được miễn thuế. Điều này khiến cho DN trong nước gặp bất lợi về mặt cạnh tranh. Việc áp dụng thuế VAT cho hàng hóa nhập khẩu qua TMĐT sẽ giúp cân bằng sân chơi cho DN, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất nội địa.
Chuyên gia cũng cho rằng, việc đánh thuế VAT còn có thể góp phần hạn chế gian lận thương mại bởi miễn thuế VAT cho các đơn hàng giá trị nhỏ đã tạo điều kiện cho một số hành vi gian lận thương mại như khai man giá trị hàng hóa để trốn thuế. Việc áp dụng thuế VAT sẽ giúp kiểm soát tốt hơn hoạt động xuất nhập khẩu qua TMĐT, từ đó hạn chế các hành vi gian lận thương mại.
Hạn chế tối đa các thủ tục rườm rà
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kể trên, một số ý kiến cho rằng việc đánh thuế VAT cũng tiềm ẩn một số nguy cơ như tăng giá cả hàng hóa, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Đặc biệt là trong bối cảnh giá cả hàng hóa đang có xu hướng tăng cao như hiện nay, việc áp dụng thêm thuế VAT có thể khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn hơn.
Nhiều DN kinh doanh trên sàn TMĐT sẽ phải thay đổi quy trình hoạt động, đầu tư thêm vào hệ thống quản lý thuế… Điều này có thể khiến họ tốn kém chi phí, thêm gánh nặng nhất là các DN nhỏ và vừa.
Do đó, để bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp phù hợp khi áp dụng thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu qua TMĐT giá trị nhỏ.
PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) khuyến nghị, đặc điểm của nền tảng TMĐT xuyên biên giới là sử dụng công nghệ số và Internet để thực hiện các giao dịch. Vậy thì hiện nay, vấn đề cốt yếu nhất là chúng ta cần phải tiếp tục đầu tư công nghệ vì nó chưa đáp ứng để kiểm soát được các hoạt động TMĐT.
Các giải pháp này cần bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả và hạn chế tối đa các thủ tục rườm rà cho người tiêu dùng và DN kinh doanh. Đồng thời, cần có các biện pháp hỗ trợ để giúp DN kinh doanh trên sàn TMĐT thích nghi với việc áp dụng thuế VAT mới.
-
Lễ hội bánh mì TP HCM lần thứ 3 sẽ được tổ chức vào 21/3/2025
-
6 trường hợp được lựa chọn hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần từ tháng 7/2025
-
Xe buýt kết nối Metro số 1 tại TPHCM 'khoác' màu áo riêng, giúp hành khách dễ nhận diện
-
Tạm giữ 5 đối tượng vi phạm đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội
-
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ lễ năm 2025
-
Đề xuất quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc