Đà Lạt 2019: “Thành phố sương mù” đã không còn như xưa?

Thứ ba, 26/03/2019, 14:59 PM

Đà Lạt từ lâu luôn là điểm du lịch lý tưởng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, thời tiết mát mẻ, không khí trong lành. Tuy nhiên, Đà Lạt những năm gần đây phát triển nhanh và đón lượng khách du lịch tăng đột biến, kéo theo những thay đổi tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến mảnh đất vốn đầy thơ mộng này.

Empty

Đà Lạt bình yên ngày xưa

Thành phố nằm trên cao nguyên Lang Biang có địa hình đồi núi gắn liền với khí hậu mát mẻ, cảnh quan thơ mộng, thiên nhiên hài hòa với những cánh rừng thông xanh bạt ngàn và các công trình kiến trúc, biệt thự cổ độc đáo đã tạo nên một Đà Lạt tinh tế và đầy bí ẩn.

Và “Thành phố ngàn hoa” đã trở thành điểm đến mà dù vui hay buồn, mỗi khi có thời gian rảnh, cần nghỉ ngơi, muốn được trút bỏ những ưu tư, phiền muộn trong cuộc sống để tìm sự bình yên, để được thư giãn và hít thở bầu không khí trong lành, tận hưởng thời tiết se lạnh quanh năm ở đây. Đà Lạt khiến người ta muốn có được những giây phút sống chậm lại, lắng đọng hơn, trước guồng quay hối hả của cuộc sống. Đà Lạt của ngày xưa đã níu chân du khách bằng những thứ đơn giản, bình yên như thế.

Đà Lạt đông nghẹt khách du lịch.

Đà Lạt đông nghẹt khách du lịch.

Empty

Đà Lạt ngày nay

Đà Lạt từng được mệnh danh là “Thành phố sương mù”, “Thành phố ngàn hoa”, “Thành phố buồn” với những bản sắc đặc trưng đẹp đẽ vốn có. Nhưng ngày nay, Đà Lạt đã chẳng còn buồn nữa bởi dòng người tấp nập lui tới. Theo thống kê, dân số Đà Lạt năm 2010 là 210.000 người và đến năm 2018 đã tăng lên 300.000 người. Hơn 6,5 triệu lượt khách đến với Đà Lạt trong năm 2018, ngành du lịch thu về gần 12.000 tỷ đồng. Du lịch tăng trưởng mạnh kéo theo kinh tế ngày một phát triển, đời sống người dân Đà Lạt nhờ đó cũng được nâng cao. Nhưng, sự phát triển quá nhanh chóng mà không đồng bộ khiến Đà Lạt dần trở nên quá tải và chịu nhiều tác động tiêu cực.

Trên những con đường huyết mạch như Nguyễn Chí Thanh, Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo... vốn đại diện cho nét đẹp đặc trưng của Đà Lạt xưa thì nay ngoài những ngôi nhà gỗ hay căn biệt thự cổ với kiến trúc độc đáo núp dưới rừng thông tĩnh lặng đã có thêm những khu trung tâm thương mại, tòa nhà phức hợp đa chức năng, những ngôi nhà phố, khách sạn, quán cà phê “mọc lên”; xa hơn là những trang trại nông sản có quy mô dần thay thế những mảnh ruộng. Đà Lạt vắng vẻ, yên bình của ngày xưa, bây giờ trở nên sầm uất hơn khiến giao thông ở Đà Lạt vốn dành cho những chiếc xe thổ mộ giờ trở nên kẹt xe và ngột ngạt trên nhiều cung đường. Thêm vào đó, sự thiếu ý thức của một bộ phận du khách khi xả rác bừa bãi đã làm mất vẻ mỹ quan đô thị của thành phố. Cảnh tượng người người chen lấn nhau ở khu chợ đêm Đà Lạt, khu vực Hồ Xuân Hương hay những địa điểm check-in nổi tiếng cũng trở nên thường xuyên hơn. Khắc phục được những khiếm khuyết trên, Đà Lạt sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với cả du khách và người bản địa.

Không thể phủ nhận sự phát triển tất yếu của nền kinh tế thị trường và Đà Lạt cũng không thoát khỏi vòng xoáy tự nhiên ấy. Ai cũng muốn quê hương, mảnh đất nơi mình yêu thương phát triển hơn mỗi ngày nhưng làm sao không khỏi nuối tiếc khi nhìn thấy Đà Lạt đang thay đổi quá nhanh. Để tránh những mất mát cho “Thành phố ngàn hoa” xinh đẹp này thì cần có một định hướng, giải pháp cụ thể để giúp thành phố phát triển một cách bền vững trong tương lai.

 Trúc Phạm

Theo NTD