Cuộc đại phẫu các ban quản lý tại TP.HCM
Theo Sở Nội vụ TP.HCM, đơn vị xây dựng Dự thảo Ðề án “Sắp xếp lại các ban quản lý dự án của Thành phố, của quận/huyện, Ban Quản lý đầu tư các khu đô thị, Ban Quản lý đầu tư các dự án ODA”, trong thời gian tới sẽ có hàng loạt ban quản lý dự án, ban quản lý đầu tư bị xóa tên, sáp nhập hoặc phải điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp.
44 ban quản lý với hàng nghìn nhân viên
Theo số liệu của Sở Nội vụ, TP.HCM hiện có 44 ban quản lý (BQL) có nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng, trong đó 9 ban thuộc UBND Thành phố trực tiếp quản lý. Trong số này, 5/9 BQL là đơn vị sự nghiệp công lập, 4/9 BQL hoạt động như một cơ quan hành chính.
Tại TP.HCM hiện có 11 BQL thuộc 8 các sở, ngành, đơn vị, gồm: BQL Đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế; BQL đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở GD&ĐT; BQL đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở VH&TT; BQL đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở LĐTB&XH... 24 quận/huyện của TP.HCM cũng có 24 BQL đầu tư xây dựng công trình.
Với cơ cấu trên, bộ máy BQL của TP.HCM hiện có 43 trưởng BQL, 92 phó BQL, 213/255 biên chế (cơ quan hành chính), 672/696 người (đơn vị sự nghiệp chưa tự chủ) và 238 người (đơn vị sự nghiệp tự chủ, không giao số người làm việc). Các BQL này đang quản lý hơn 3.000 dự án với tổng số tiền hơn 323 nghìn tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định, đã đến lúc phải có sự sắp xếp, tổ chức lại mô hình tổ chức của các BQL nói trên để phù hợp với tình hình mới. Thực tế, việc tồn tại số BQL quá nhiều, bộ máy cồng kềnh thời gian qua đã trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Hoạt động của các BQL chồng chéo, kém hiệu quả. Trong khi đó, nhiều dự án đang lâm vào tình trạng thiếu vốn phải hoãn, giãn tiến độ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư...
Cuộc đại phẫu
UBND TP.HCM cho biết đang xem xét việc sắp xếp, kiện toàn các BQL dự án của thành phố và cấp quận/huyện theo hướng thành lập BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (trực thuộc UBND Thành phố) trên cơ sở hợp nhất BQL đầu tư xây dựng các công trình thuộc các sở: Y tế, GD&ĐT, VH&TT, LĐTB&XH và sáp nhập vào BQL Đầu tư - Xây dựng công trình nâng cấp đô thị do UBND Thành phố trực tiếp quản lý. Lãnh đạo ban này gồm Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc. Đây là chủ trương đã được nhiều địa phương thực hiện nhanh chóng, hiệu quả như Đồng Nai, Gia Lai…
Theo đánh giá của các nhà thầu, việc hợp nhất các BQL đầu tư xây dựng thuộc các sở sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp, tuân thủ quy định về đấu thầu hơn rất nhiều so với việc tồn tại các BQL cũ như trước đây.
Bên cạnh đó, với thực tế đang tồn tại nhiều BQL trong lĩnh vực giao thông, TP.HCM dự kiến sẽ thành lập BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trực thuộc UBND Thành phố. Ban này sẽ dựa trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án về giao thông của các Khu giao thông đô thị, Khu Quản lý đường thủy nội địa và sáp nhập BQL dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) cùng thuộc Sở Giao thông vận tải vào Ban Giao thông đô thị và ủy quyền cho Sở Giao thông vận tải quản lý. Việc tổ chức, sắp xếp lại các BQL riêng trong lĩnh vực giao thông cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng quản lý dự án, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho Thành phố.
Với 24 BQL dự án cấp quận/huyện, TP.HCM dự kiến sẽ thành lập BQL dự án khu vực quận/huyện trên cơ sở kiện toàn BQL đầu tư xây dựng công trình trực thuộc quận/huyện hiện nay. Đây cũng là chủ trương được đánh giá là phù hợp với bối cảnh Thành phố đang phát triển theo cụm đô thị.
Sở Nội vụ TP.HCM nhận định, với những dự kiến sắp xếp trên, Thành phố có thể giảm 11 đầu mối các BQL (gồm 2 ban thuộc UBND Thành phố, 9 ban thuộc sở, ban ngành). So với biên chế, số lượng người làm việc được giao năm 2017, việc sắp xếp sẽ giảm 255 biên chế hành chính và có khả năng giảm 133 người làm việc trong các đơn vị. “Đây sẽ là một cuộc đại phẫu lớn đối với hệ thống BQL tồn tại thời gian qua. Mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động của chính các BQL; nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư, xây dựng bằng chính những yếu tố cơ bản nhất là cơ cấu tổ chức và con người”, đại diện Văn phòng UBND TP.HCM khẳng định.
Văn Huyền
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội