Cục Hàng không khẳng định không có đầu cơ vé máy bay

Thứ năm, 27/04/2023, 09:56 AM

Theo Cục Hàng không Việt Nam, giờ bay đẹp vào ngày 29-4, tỉ lệ lấp đầy lên tới 90%-100%, số vé còn lại vẫn rất cao.

Những ngày qua, sự “nhảy múa” bất thường của vé máy bay gây ra nhiều bất tiện cho người dân cũng như ngành du lịch. Theo chuyên gia và Cục Hàng không, rất khó xảy ra tình trạng đầu cơ vé máy bay.

Việc ôm vé để chờ tăng là không khả thi

Trước tình trạng giá vé máy bay “nhảy múa” mấy ngày qua khiến không ít người cho rằng có tình trạng đầu cơ vé máy bay chờ giá lên. Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, cho rằng việc lên, xuống giá vé là theo quan hệ cung - cầu, khi cung lớn mà cầu giảm thì giá vé sẽ giảm và ngược lại.

“Theo đó, vừa qua một số đường bay sát lễ giá vé đã giảm sâu 30%-40% để tăng lượng người mua, lấp đầy công suất của máy bay. Thực tế tôi thấy vừa qua chỉ một số đường bay hạ nhiệt, còn các đường bay khác giá vẫn cao” - ông Long nói thêm.

Khách tăng kỷ lục tại sân bay Nội Bài. Ảnh: PĐ

Khách tăng kỷ lục tại sân bay Nội Bài. Ảnh: PĐ

Cũng theo vị chuyên gia này, giá vé máy bay được các hãng phân bổ với rất nhiều dải giá khác nhau, tùy từng thời điểm, từ thấp đến cao và được khống chế bởi mức giá trần của Nhà nước. “Thực tế cho thấy các hãng không vi phạm về giá nên đỗ lỗi cho họ là chưa chuẩn. Ở các nước, có loại vé giờ chót giá giảm rất mạnh nhằm kích cầu và lấp đầy công suất của máy bay…” - ông Long dẫn chứng.

Theo một chuyên gia hàng không, đại lý muốn ôm vé máy bay rất khó và nhiều rủi ro. Cụ thể, đối với vé bán lẻ, phải có thông tin khách đi, trường hợp đổi mất một khoản phí không hề thấp. Còn vé theo đoàn, các hãng thường bán cho đại lý hoặc công ty du lịch, đi kèm với điều kiện như phải chốt danh sách khách đi, phải đi theo đoàn, đặt cọc tiền…

Tất nhiên, vé theo đoàn các công ty du lịch có quyền đặt sớm, giá có phần ưu đãi, có thể bán ra cho bất kể ai trong thời hạn cho phép. Tuy nhiên, mua loại vé này có rủi ro, nếu tới hạn không có danh sách khách đi, toàn bộ tiền cọc và vé sẽ bị hãng thu hồi về để bán cho khách lẻ.

Thực tế vé bán theo đoàn các đại lý, công ty du lịch đặt thường tính trong giá đặt tour, không phải mục đích kiếm lời từ khoản chênh lệch này. “Các công ty chỉ bán ra ngoài khi không gom đủ khách du lịch, tuy nhiên số này không nhiều bởi các dịp cao điểm lễ giá vé không quá ưu đãi. Với đại lý vé máy bay chủ yếu hưởng chiết khấu doanh số, hoa hồng hãng trả… Việc ôm vé để chờ tăng là không khả thi do rất rủi ro” - vị chuyên gia lý giải.

 Cục Hàng không Việt Nam đã kiểm tra

Ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam), vừa qua đơn vị đã kiểm tra các hãng hàng không và nhận thấy các hãng bán vé đúng quy định. Các đường bay có giá vé cao thường từ Hà Nội, TP.HCM đi các điểm du lịch và chủ yếu vào các ngày 28 và 29-4, 2 và 3-5.

 
“Các đường bay có giá vé cao thường từ Hà Nội, TP.HCM đi các điểm du lịch và chủ yếu vào các ngày 28 và 29-4, 2 và 3-5.” Ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam

Theo ông Đăng, nhận thấy nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không xem xét tăng chuyến bay trên các đường bay từ Hà Nội, TP.HCM đi các địa điểm có nhu cầu du lịch lớn như Phú Quốc, Tuy Hòa, Bình Định, Cam Ranh, Côn Đảo…, đặc biệt trong các ngày trên.

Trên cơ sở đó, các hãng đã xem xét nguồn lực và tiến hành tăng chuyến bay. Do khung giờ đẹp không còn nên chuyến bay tăng cường thường vào khung giờ ban đêm, chiều muộn. “Đây là các khung giờ không phù hợp với khách du lịch, bởi khách thường “căn” giờ bay làm sao đến điểm du lịch đúng vào thời điểm nhận phòng, thường là trưa hoặc chiều, nếu đến chiều tối coi như mất một ngày. Theo đó, giá vé các chuyến bay tăng cường nhìn chung rẻ hơn so với thời điểm bán vé trước” - ông Đăng nói thêm.

Hôm nay, Cục Hàng không cũng tiến hành khảo sát giá vé của các hãng và nhận thấy giờ bay đẹp vào ngày 29-4, tỉ lệ lấp đầy lên tới 90%-100%, số vé còn lại vẫn rất cao, thậm chí cao hơn giai đoạn trước. Tuy nhiên, nếu đi “lệch” một ngày là 30-4, giá vé lại rẻ hơn 30% so với giai đoạn trước và ghế trống rất nhiều. “Như vậy giá vé rẻ ở đây là do khung giờ bay và ngày bay” - ông Đăng khẳng định.

Về nghi vấn đầu cơ, ông Đăng khẳng định vé máy bay không như vé xe khách, người mua vé có định danh. Một người có thể lấy tên của nhiều người để mua vé nhưng các hãng đều có chính sách đổi, trả vé rất cao và ngặt nghèo để tránh đầu cơ.

“Vì vậy, ai đầu cơ phải cần số tiền lớn để trả các hãng, theo tôi biết các đại lý thường không làm vậy. Còn các hãng họ có bán vé cho các công ty du lịch lâu năm, đối tác truyền thông. Tuy nhiên, các công ty này không bao giờ đầu cơ vé như vậy” - ông Đăng khẳng định.•

Giá vé “hạ nhiệt” sau các ngày cao điểm

Kết quả khảo sát nhanh chiều 26-4 cho thấy vé trên mạng bay nội địa vẫn còn dồi dào nhưng giá vé vẫn cao. Cụ thể, trên đường bay TP.HCM - Hà Nội, tùy hãng và giờ bay, giá vé dao động 2,1-2,6 triệu đồng/vé. Đường bay TP.HCM - Hải Phòng, chuyến bay ít hơn, giá vé 3-3,2 triệu đồng/vé.

Đặc biệt chặng bay TP.HCM - Phú Quốc hai ngày trước đó (ngày 25-4), kênh trực tuyến và đại lý báo hết chuyến bay thì nay đảo chiều vé dao động 1,9-4,4 triệu đồng/vé.

Còn chặng Hà Nội - Phú Quốc giá vé đẩy lên 3,3-4 triệu đồng/vé; Hà Nội - Đà Nẵng 1,8-2,2 triệu đồng/vé; Hà Nội - Đà Lạt 2,8-3,1 triệu đồng/vé.

Đặc biệt, sau ngày cao điểm, giá vé nhiều đường bay đã “hạ nhiệt”, thậm chí giảm xuống còn một nửa. Chẳng hạn như đường bay TP.HCM - Vinh ngày 30-4 chỉ dao động từ 972.000 đến gần 1,5 triệu đồng/vé…

VIẾT LONG - PHONG ĐIỀN

Theo plo.vn

largeer