Công ty Lan Anh “bắt tay” với Thành Đô “bán chui” dự án Lan Anh 7?
Dù dự án Lan Anh 7 đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục hạ tầng, đất đá ngổn ngang… thế nhưng công ty Lan Anh đã “bắt tay” với các đơn vị phân phối rao bán rầm rộ dự án trên…
Được biết, dự án KDC Lan Anh 7 (tọa lạc tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có diện tích gần 10 ha, do Công ty TNHH MTV Lan Anh (công ty Lan Anh) làm chủ đầu tư.
Từ những ngày tháng 7, trên các cổng thông tin điện tử, cùng mạng xã hội xuất hiện những lời mời chào “mỹ miều” và rao bán rầm rộ về dự án KDC Lan Anh 7. Đây được xem là dự án đất nền đang “hot” tại xã Nghĩa Thành.
Dự án gồm các phân khu chức năng: Khu nhà ở 58,52% với 405 nền nhà liên kết, dịch vụ thương mại tổ hợp 7,2%, hạ tầng kỹ thuật giao thông 27,92%, công viên cây xanh 6,63%.
Theo tài liệu mà PV thu thập được, tại dự án trên, công ty Lan Anh cùng đơn vị phân phối là Công ty cổ phần địa ốc Thành Đô đã tiến hành dẫn khách đến tham quan dự án và chính thức tổ chức mở bán vào ngày 7/7.
Thế nhưng, vào ngày 22/7, UBND xã Nghĩa Thành (huyện Châu Đức) mới tổ chức công bố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án KDC Lan Anh 7. Cũng tại buổi công bố này, bà Nguyễn Nam Phương, Tổng Giám đốc Công ty Lan Anh cho biết, sau khi quy hoạch 1/500 được phê duyệt, công ty sẽ triển khai đầu tư hạ tầng và các thủ tục pháp lý liên quan, dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp tết dương lịch năm 2020.
Dù các hạng mục hạ tầng chưa hoàn thiện, thế nhưng các hành động tổ chức mua bán đã diễn ra từ rất sớm.
Theo điểm b, Khoản 1, Điều 41 Nghị định 43/2013/NĐ-CP về Điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, thì chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải.
Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định rất rõ, chỉ khi nào dự án hoàn thành cơ sở hạ tầng và được sự chấp thuận đủ điều kiện mở bán của Sở Xây dựng, chủ đầu tư mới được bán hàng, huy động vốn. Điều này nhằm bảo vệ khách hàng tránh những rủi ro đáng tiếc khi các công ty bất động sản kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặc”, đẩy rủi ro về phía khách hàng.
Tuy nhiên thực tế, nhiều chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính, xem thường pháp luật đã làm liều huy động vốn trái luật. Đây là nguyên nhân khiến hàng loạt dự án thời gian qua dù thu tiền đến 95% giá trị căn hộ nhưng không giao được nhà cho khách hàng. Thậm chí nhiều chủ đầu tư còn đem dự án đã bán cho khách hàng mang cầm cố ngân hàng, khiến người mua nhà điêu đứng.
Thời gian gần đây, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những “điểm nóng” về tình trạng phân lô, bán nền trái phép. Vì vậy, khách hàng khi xuống tiền mua đất nền dự án, cần tìm hiểu kỹ về pháp lý, để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra…
Tấn Hiệp - Sỹ Đồng
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội