Công ty bất động sản chi hoa hồng cao gấp 10 lần, chuyển hồ sơ sang công an
Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết đã ký hợp đồng với 2 công ty môi giới bất động sản tại TPHCM với tỷ lệ 19,5%/giá trị bất động sản môi giới thành công.
Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo về công tác kiểm toán năm 2021 phục vụ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, cơ quan này cho biết tính đến ngày 30/9 với 96 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 52.706 tỷ đồng (tăng thu ngân sách Nhà nước 6.681 tỷ đồng, giảm chi 6.459 tỷ đồng và kiến nghị khác 39.566 tỷ đồng).
Đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật không phù hợp, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với từng sai phạm.
Đáng chú ý, vừa qua Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện thực tế một số doanh nghiệp kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo phương pháp lợi nhuận chưa phù hợp, không lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (ở Bình Dương).
Cá biệt, có trường hợp hạch toán vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) một số khoản không hợp lý, không có căn cứ, làm giảm lớn số thuế TNDN phải nộp ngân sách.
Đó là trường hợp Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết tại Bình Thuận. Công ty này đã ký hợp đồng với 2 công ty môi giới bất động sản tại TPHCM với tỷ lệ 19,5%/giá trị bất động sản môi giới thành công, trong khi mức phí môi giới bất động sản phổ biến hiện nay trên thị trường là 1-2% giá trị bất động sản…
"Việc công ty ký các hợp đồng môi giới với mức chi phí cao bất thường (gấp khoảng 10 lần so với mức chi phí môi giới phổ biến trên địa bàn tỉnh Bình Thuận) đã làm tăng chi phí hợp lý và làm giảm thuế TNDN phải nộp rất lớn", Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Liên quan đến vụ việc này, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định hành vi có dấu hiệu trốn thuế TNDN của Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết.
Tại báo cáo này, Kiểm toán Nhà nước cũng nêu hàng loạt các vấn đề trong việc chi thường xuyên như chi chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, nguồn kinh phí ; quản lý, sử dụng nguồn viện trợ chưa đúng quy định; chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm về nhà, đất kéo dài qua các năm.
Ngoài ra còn có tình trạng không sử dụng hoặc sử dụng tài sản chưa hiệu quả; quy định hướng dẫn việc sử dụng đất chưa thống nhất; giao kinh phí chi thường xuyên để thực hiện một số dự án đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp chưa phù hợp; giao kinh phí cho biên chế vượt định mức Bộ Nội vụ giao, bố trí thêm định suất lao động tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục ngoài chỉ tiêu biên chế được giao, chưa được HĐND tỉnh thông qua (tỉnh Bình Phước); lập dự toán và cấp kinh phí hoạt động cho lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, cấp lương và phụ cấp cho biên chế chưa được tuyển dụng không phù hợp quy định, chi cho công an viên, phó trưởng thôn ngoài số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở xã theo quy định (tỉnh Bình Thuận).
Về chi đầu tư xây dựng cơ bản, báo cáo cho thấy tình trạng chưa xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; phân bổ vốn cho một số dự án chưa đảm bảo điều kiện; không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; không đúng nguồn, phân bổ vượt kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn; chưa phân bổ ngay từ đầu năm hoặc phân bổ thấp hơn quy định; chưa bố trí đủ vốn đối ứng...
Nguyễn Mạnh
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội