Công nhân và "cạm bẫy" mạng xã hội
Liên tiếp những vụ lừa cả tình lẫn tiền thông qua mạng xã hội và nạn nhân chủ yếu là nữ công nhân. Họ nhẹ dạ cả tin nên dễ trở thành "con mồi" của những kẻ lừa đảo.
Trong căn phòng trọ chừng 15 m2 tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, 3 chị em ruột sống cùng nhau, trong có Lê Thị T. đang bụng mang dạ chửa tháng thứ 6. Huyền, chị cả của T., nói từ ngày biết mang thai, em của chị chẳng có lấy một nụ cười.
Gặp "sở khanh" qua Zalo, Facebook
Chị Huyền kể T. là em út năm nay 23 tuổi, học trung cấp may nên xin vào xưởng may nơi 2 người chị đang làm cho có chị có em. Cách đây 1 năm, qua Facebook, T. kết bạn với một người đàn ông tên Hóa, không rõ quê quán. Quen được một thời gian ngắn thì Hóa đưa T. về phòng trọ ở Thủ Đức sống như vợ chồng.
Khi về sống cùng thì T. mới biết Hóa là một kẻ không có nghề nghiệp. Để có tiền cho người đàn ông này tiêu xài, không ít lần T. phải vay mượn tiền của hai chị. Khi T. có thai thì Hóa trở mặt, bắt phải phá thai. Chưa hết, Hóa còn ngang nhiên dẫn một người phụ nữ khác về sống chung và đuổi T. ra khỏi phòng. Ba tháng sống cùng Hóa, T. đã bán đôi bông tai, chiếc xe máy cũng bị Hóa cắm ở tiệm cầm đồ chưa có tiền chuộc lại. Giờ T. sắp làm mẹ một mình trong khó khăn, còn Hóa thì đã biệt tăm, điện thoại, Facebook, Zalo đều khóa hết, không biết đang ở đâu.
Chị Ng.N.N là công nhân (CN) trong một xí nghiệp may balô tại huyện Hóc Môn, năm nay 28 tuổi. Chị bắt đầu tập tành sử dụng Zalo hơn 1 năm nay. Vào chức năng "tìm bạn quanh đây" trên Zalo, chị kết bạn với một người tên là Dung CEO, anh này xưng là chủ một doanh nghiệp nhỏ. Chỉ sau buổi gặp đầu tiên ở quán cà phê, chị bị anh ta hớp hồn bởi cách nói chuyện hài hước, dí dỏm và cách cư xử rất chuẩn mực. Hôm nào chị tăng ca, anh ta cũng đến tận cổng công ty đón, rồi cả hai cùng ăn uống, xem phim...
Được hơn một tháng thì N. bị "doanh nhân trẻ" mê hoặc và đến mức trao cho anh ta cả tình lẫn tiền. Dung CEO nói với chị là công ty đang gặp khó khăn nên nhờ chị giúp đỡ. Vì quá tin tưởng nên N. đã rút hết số tiền dành dụm bấy lâu đưa cho người yêu. Nhận được tiền, anh ta lộ rõ bản chất "sở khanh" khi hủy kết bạn Zalo với N. Lúc này N. mới sực nhớ tất cả những liên lạc giữa chị và anh ta đều qua Zalo chứ chị không hề biết số điện thoại. Chị kiểm tra tin nhắn, hình ảnh chụp chung của hai người trên Zalo, trên điện thoại cũng bị anh ta xóa tự lúc nào. Thế là số tiền mồ hôi nước mắt chị tích góp trong mấy năm làm CN đã bay theo gã lừa đảo.
Đó chỉ là hai trong hàng ngàn câu chuyện bị lừa gạt tình tiền mà nữ CN gặp phải khi quen nhau qua mạng xã hội. Những vụ có chứng cứ thì công an đã vào cuộc và nghiêm trị nhưng rất nhiều câu chuyện nạn nhân hoàn toàn không biết bị lừa bởi kẻ lừa đảo quá tinh vi để rồi "tiền mất tật mang".
Phải biết tỉnh táo
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An (Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam) chia sẻ rằng sống trong kỷ nguyên công nghệ này thì ai cũng phải tập cho mình "sức đề kháng" đủ mạnh để nhận biết những hành vi lừa đảo đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên không gian mạng.
Vị chuyên gia tâm lý cho rằng về cơ bản, người dùng Zalo hay Facebook là người thật nhưng thông tin họ cung cấp chưa hẳn đã thật, có thể ảo hoàn toàn. Do đó, việc đầu tiên là phải tìm hiểu thật kỹ về người đó trước khi xác lập mối quan hệ kẻo dính phải những kẻ sở khanh thì khổ. Khi họ muốn làm quen, chúng ta nên tỉnh táo kiểm chứng thông tin mà họ cung cấp. Ví dụ hỏi anh bao nhiêu tuổi? Khi họ trả lời số tuổi, chẳng hạn 30 tuổi, như vậy anh này sinh năm 1987 và tuổi Mẹo, nhưng chúng ta có thể nói sai đi, kiểu như vậy là anh tuổi Thìn đúng không? Nếu là người thật, họ sẽ đính chính; còn họ không thật, sẽ ỡm ờ cho qua. Rồi bạn hỏi thêm vài câu nữa và để khoảng ba bốn ngày sau hỏi lại xem anh ta trả lời có khớp hay không.
Một lưu ý mà vị chuyên gia này đề cập là người dùng Facebook, Zalo cũng nên quan tâm đó là lịch sử lập trang cá nhân của người đã kết bạn. Hãy tránh xa những tài khoản mới lập và đưa những hình ảnh có tính khoe mẽ, phô trương. Một tài khoản đàng hoàng sẽ có tính tương tác cao và có nhiều bạn bè tốt, bạn có thể xem các bình luận của bạn bè họ để phần nào biết về con người, tính cách của họ, tất nhiên việc này chỉ làm được trên Facebook, còn Zalo thì "bó tay". "Bạn không nên nhận lời hẹn hò cà phê, đi ăn hay đi chơi khi chỉ mới nói chuyện với nhau dưới 1 tháng. Nếu họ muốn đặt mối quan hệ lâu dài với bạn, họ có thể kiên nhẫn chờ đợi. Chúng ta không nên sống nhanh trên mạng, hãy càng chậm càng tốt" - thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An lưu ý.
"Nếu thấy nói chuyện qua lại ổn và có thể gặp mặt thì ngay lần hẹn hò đầu tiên, bạn không nên đi một mình mà hãy rủ bạn bè, người thân đi cùng. Tốt nhất điểm hẹn là gần chỗ bạn ở và cũng là nơi bạn hay đến. Bạn cũng hạn chế mang theo nữ trang hay những vật dụng đắt tiền để tránh tạo cho họ lòng tham; đồng thời dành nhiều thời gian tìm hiểu các mối quan hệ gia đình, bạn bè, công việc… của anh ấy" - chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An khuyến cáo.
Theo Giang Nam (NLĐ)
-
Công nhân và "cạm bẫy" mạng xã hội
-
Không muốn khổ sở vì tình, đừng dại vi phạm 4 điều này!
-
Vì sao cha mẹ nghiêm khắc nhưng con vẫn hư?
-
Hoang mang khi bị chồng nghi ngờ vì vợ có sở thích "tự sướng"
-
Kiểm soát chồng quá mức sẽ đẩy chồng vào cửa ngoại tình
-
Chồng đuổi ra khỏi nhà vì tôi lớn tiếng với mẹ chồng