Cổ phiếu bất động sản tiếp tục “rơi tự do”

Thứ năm, 07/04/2022, 15:20 PM

Những nỗ lực của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã không thành công dưới sức ép quá lớn từ nhiều mã trụ bất động sản. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giảm sốc 1,8% dựa trên chỉ số VNREAL sàn HoSE...

3875a539-5735-4b07-a80c-dd53ed6c33fc

Cổ phiếu bất động sản giảm la liệt sáng nay.

Những nỗ lực của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã không thành công dưới sức ép quá lớn từ nhiều mã trụ bất động sản. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giảm sốc 1,8% dựa trên chỉ số VNREAL sàn HoSE.

VN-Index dập dình quanh tham chiếu đầu phiên, nhưng càng về sau càng yếu. Chốt phiên chỉ số bốc hơi 10,81 điểm tương đương 0,71%. VN30 khá hơn, giảm nhẹ 0,27% nhưng Smallcap “bay” 1,14% và Midcap giảm 0,82%.

Nhóm blue-chips vẫn là các mã khỏe nhất và đang nỗ lực giữ nhịp cho thị trường. Đáng tiếc là hai mã bất động sản cực lớn là VIC và VHM lại giảm quá nhiều. VIC giảm 3,35% và VHM giảm 1,7% chưa kể NVL cũng giảm 1,39%. Ba mã này đã lấy đi khoảng 5 điểm của chỉ số.

Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục giảm rất mạnh. Hàng chục mã rơi sâu và số rất ít có thể tăng như QCG, LDG, DRH, KDH với biên độ nhỏ. Nhóm giảm sàn có CIG, NVT, SII. Khoảng 13 mã giảm trên 3%, bao gồm cả những cái tên như VIC, CEO, OGC. FLC đang giảm 2,83% và giá tương đương mức thấp nhất của phiên ngày 1/4, tức là nhà đầu tư bắt đáy chưa bán kịp thì đã “về mo”.

Ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu bất động sản không quá lớn về mặt điểm số, chủ đạo là các cổ phiếu lớn như VIC, VHM, NVL. Tuy nhiên số lượng quá lớn các mã bất động sản giảm giá có ảnh hưởng tâm lý không nhỏ. Chỉ số Smalllcap đại diện các mã nhỏ giảm 1,14% với số lượng mã giảm nhiều gấp 3,6 lần số tăng.

Độ rộng toàn sàn HoSE chỉ có 109 mã tăng/350 mã giảm, trong đó 6 mã giảm sàn, 97 mã giảm trên 2%, 90 mã giảm trên 1%. Ngược lại số tăng chưa tới 40 mã tăng quá 1%.

Nhóm VN30 cũng đang chịu áp lực, nhưng số giảm chỉ 17 mã và số tăng 12. Vấn đề là không có trụ đủ mạnh để cân cho VN-Index mà chỉ có thể cân cho VN30-Index. Cụ thể, VPB tăng 1,5%, FPT tăng 1,5%, MBB tăng 1,95%, ACB tăng 1,66%, POW tăng 2,13%. Duy nhất VPB thuộc Top 10 vốn hóa của VN-Index.

 Cổ phiếu ngân hàng sáng nay cũng phân hóa nhưng ít nhất vẫn còn xanh khá nhiều. 5 mã ngân hàng đang giảm trên 1% là SHB giảm 1,87%, KLB giảm 1,64%, NAB giảm 1,49%, VBB giảm 1,22% và LPB giảm 1,2%.

vn30-intraday

VN30-Index thể hiện nỗ lực giữ nhịp của các blue-chips.

Với độ rộng quá hẹp, thị trường gây tổn thương là chủ yếu, dù mức giảm vẫn còn nhẹ đối với các blue-chips. Cổ phiếu nhỏ, hàng đầu cơ vẫn đang chịu ảnh hưởng từ dòng tiền thoát ra. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm hơn 4% và các blue-chips vẫn duy trì mức giao dịch cao thuộc rổ VN30. VPB, MBB thanh khoản lớn nhất thị trường tương ứng 915,4 tỷ đồng và 667,6 tỷ đồng, giá đều tăng tốt. Top 10 thanh khoản cũng có thêm FPT, HPG, MWG và POW, trong đó chỉ có HPG giảm nhẹ 0,53%.

Như vậy tổng thể các blue-chips vẫn đang giữ giá nhờ duy trì được dòng tiền khá lớn một cách ổn định. Thanh khoản của VN30 giảm 5% so với sáng hôm qua, một phần do giá cổ phiếu giảm. Điều quan trọng là khả năng thay thế các trụ là rất mờ nhạt. Chẳng hạn VCB cũng lại giảm 0,24%, TCB giảm 0,2%, chưa kể VIC, VHM, GAS, SAB, HPG, MSN, VNM đều đỏ.

Do vậy điều khả dĩ nhất không hẳn là các cổ phiếu mạnh sáng nay tăng cao thêm, mà là các mã lớn đang giảm phục hồi, mới có thể nâng đỡ được chỉ số. Mặt khác dòng tiền cũng cần mạnh lên, nhất là khi khối ngoại bất ngờ quay ra bán khá nhiều blue-chips. Cổ phiếu thuộc rổ VN30 đang bị xả ròng 158,5 tỷ đồng, trong tổng mức bán ròng ở HoSE là 343,1 tỷ đồng.

Các cổ phiếu bị bán nhiều nhất là VHM -48,5 tỷ, STB -46,2 tỷ, HPG -40,2 tỷ, VIC -28,8 tỷ. Ngoài ra có DGW -39,2 tỷ, HCM -32,9 tỷ, PVD -21,5 tỷ. Phía mua ròng duy nhất NVL +28 tỷ là đáng kể. Tổng giá trị bán ra tại HoSE của khối ngoại đạt 1.156,9 tỷ đồng, chiếm 6,9% tổng giá trị giao dịch của sàn này, trong khi mua vào là 813,8 tỷ, chỉ chiếm 4,8%.

Kim Phong

Theo vneconomy.vn