Cổ phần hóa chậm vì níu kéo lợi ích?
Tại Tọa đàm trực tuyến “Nâng hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” diễn ra ngày 18/9/2018 tại Hà Nội, các chuyên gia và nhà quản lý đều thống nhất quan điểm, để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần phải minh bạch, công khai quá trình cổ phần hóa (CPH), xóa bỏ cơ chế xin - cho, bao bọc đối với DNNN, đặt DNNN trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, hoạt động theo cơ chế thị trường.
Thay đổi thói quen, tư duy được “bao bọc”
Theo thống kê, hiện DNNN chiếm chưa đến 1% tổng số lượng doanh nghiệp nhưng lại đang nắm giữ những lĩnh vực kinh tế then chốt, đóng góp vào GDP với tỷ trọng gần 30%, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các DNNN hiện vẫn chưa tương xứng với nguồn lực khổng lồ đang nắm giữ. Làm thế nào để phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh để DNNN thực sự đứng đầu trong 3 trụ cột kinh tế của đất nước vẫn là bài toán cần sớm có lời giải.
Có một thực tế là nhiều DNNN đã CPH, phải hoạt động theo kinh tế thị trường. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn xin cơ chế từ Nhà nước, vẫn được các bộ, ngành “bao bọc”, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Tại Tọa đàm, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, để có thể hoạt động hiệu quả thì DNNN cần thay đổi tư duy, từ bỏ cơ chế “xin - cho”, các thói quen cũ đã tồn tại quá lâu trong nền kinh tế. Chính tư duy và những thói quen này đã khiến cho các DNNN hoạt động không hiệu quả hoặc đạt hiệu quả thấp, luôn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đó cũng là những nguy cơ tiềm ẩn cho “lợi ích nhóm”…
Còn ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, DNNN phải “tự soi lại mình”, phải tuân thủ quy luật của thị trường và vận hành theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm thì mới có thể hoạt động hiệu quả được.
Minh bạch quá trình cổ phần hóa
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đều cho rằng, CPH, thoái vốn là giải pháp quan trọng để đổi mới hoạt động của DNNN. Hiện nay, hành lang pháp lý cho CPH, thoái vốn đã được chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện để đạt mục tiêu thay đổi quản trị của DNNN. Kế hoạch CPH, thoái vốn cho từng năm đã được xác định, số thu từ CPH cũng được ấn định cho kế hoạch trung hạn 5 năm, tuy nhiên, tiến độ CPH vẫn chậm.
Theo ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chủ trương lớn của CPH là nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Tiến độ CPH thời gian gần đây của các DNNN hơi trầm lắng. Ông Hùng cho rằng, để đẩy nhanh tiến trình này thì cần sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo bộ, ngành liên quan, ban lãnh đạo DNNN. Trong mấy năm qua, chúng ta thực hiện chủ trương CPH nhưng chưa có sự phê bình, kiểm điểm quyết liệt đối với các DNNN không hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số chuyên gia, nguyên nhân của CPH DNNN chậm là còn vì sự níu kéo các lợi ích, nhóm lợi ích. Nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả nhưng không muốn CPH vì vẫn còn có nhiều tài sản cho thuê như đất đai, được hỗ trợ các cơ chế chính sách trong hoạt động…
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, phải khắc phục được tình trạng mập mờ thông tin, phải xác định đầy đủ, tính đúng, tính đủ giá trị của doanh nghiệp khi CPH, các tài sản thuộc về doanh nghiệp như đất đai, các tài sản cố định khác cần phải được công khai rõ ràng, minh bạch để dư luận, người dân, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư biết và giám sát.
Khánh Ngọc
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường
-
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn giảm thêm nửa triệu đồng