Trung Quốc "cấm cửa" doanh nghiệp Mỹ?
Cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể khiến Trung Quốc mất ít nhất 700.000 việc làm và con số này có thể tăng lên hàng triệu nếu căng thẳng tiếp tục leo thang
Sau nhiều tháng nép mình trong "cuộc chiến ngầm" với chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hơn 60 nhóm công nghiệp nước này hôm 12/9 đã thiết lập liên minh "Người Mỹ vì tự do thương mại" để đấu tranh công khai.
Trút giận
Liên minh doanh nghiệp nói trên, trong đó có một số công ty lớn nhất nước Mỹ, hy vọng thúc đẩy các nghị sĩ Cộng hòa khuyên giải ông chủ Nhà Trắng từ bỏ thuế quan.
"Nhiều nhóm lợi ích từng nghĩ họ sẽ không đi xa hay lún sâu như vậy. Thế nhưng, những lớp tác động (của thuế quan) cuối cùng đã khiến họ phải lên tiếng "Đủ rồi!" - ông Nicole Vasilaros, nhà vận động hành lang hàng đầu của Hiệp hội Các nhà sản xuất Hàng hải Quốc gia, nói.
Động thái trên được đưa ra giữa lúc nổi lên thông tin Trung Quốc sẽ tạm dừng cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và một số ngành công nghiệp cho tới khi Washington có động thái giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai bên.
Tiết lộ này đến từ ông Jacob Parker, Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, phụ trách hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc và được hãng thông tấn AP đăng tải hôm 11/9.
Đây được cho là sự xác nhận công khai đầu tiên đối với những lo ngại của doanh nghiệp Mỹ rằng cuộc chiến về chính sách công nghệ của Bắc Kinh có thể ảnh hưởng tới hoạt động cũng như sự tiếp cận của các công ty Mỹ tại Trung Quốc.
Theo AP, Trung Quốc đang "cạn đòn trả miếng" đối với cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, từ đó làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh "trút giận" vào công ty Mỹ tại nước này. Ông Parker cho biết hoạt động ngưng cấp phép áp dụng với cả những ngành công nghiệp mà Bắc Kinh cam kết sẽ mở cửa cho công ty nước ngoài như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và quản lý tài sản.
Tại các cuộc họp với đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung - tổ chức tập hợp khoảng 200 doanh nghiệp Mỹ làm ăn với Trung Quốc - trong 3 tuần qua, các quan chức Trung Quốc nói việc cấp phép sẽ chỉ khai thông cho tới khi quan hệ Mỹ - Trung trở lại đúng quỹ đạo.
Hụt hơi
Bắc Kinh đã đáp trả tương ứng đối với gói thuế 50 tỉ USD trước đó của Tổng thống Trump nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nền kinh tế số 2 thế giới khó lòng duy trì thêm chiến lược này bởi không còn đủ hàng Mỹ để "trả đũa" trong trường hợp ông Trump hiện thực hóa cảnh báo tiếp tục đánh thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa từ Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 10/9 tuyên bố nước này "chắc chắn sẽ có biện pháp đáp trả" nếu Mỹ tiếp tục ra đòn nhưng không nêu chi tiết.
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg dẫn phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase nói rằng nếu Trung Quốc đáp trả đòn thuế quan bổ sung nói trên bằng cách giảm giá trị đồng nhân dân tệ 5%, cộng thêm áp thuế bổ sung lên hàng hóa Mỹ thì nền kinh tế số 2 thế giới có thể thiệt hại 700.000 việc làm.
Cũng theo báo cáo đưa ra hôm 11/9 này, nếu Trung Quốc không trả đũa Mỹ thì số người mất việc làm trong nước có thể lên tới 3 triệu. Xa hơn, nếu Mỹ áp thuế quan bổ sung 25% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế như đã công bố thì nước này sẽ mất 5,5 triệu việc làm và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ bị hụt 1,3 điểm phần trăm.
Không chỉ Trung Quốc và Mỹ, cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu có thể gây sốc cho các thị trường mới nổi vốn đã đối mặt nhiều nguy cơ, theo Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde.
Trả lời phỏng vấn báo Financial Times hôm 11/9, nữ lãnh đạo IMF cảnh báo các cuộc khủng hoảng như ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina có thể lan rộng. Sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo theo những tổn thương đối với các nền kinh tế châu Á láng giềng - vốn có chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ với ngành công nghiệp Trung Quốc.
Liên minh Nga - Trung
Trong bối cảnh Nga tiến hành cuộc tập trận Vostok 2018 có sự tham gia của binh sĩ Trung Quốc và lãnh đạo 2 quốc gia này gặp gỡ bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) tại TP Vladivostok, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế Mark Sleboda nhận định một liên minh vững chắc đang hình thành ở phương Đông.
Vostok 2018 - cuộc tập trận lớn nhất trong vòng gần 4 thập kỷ qua - diễn ra ở miền Viễn Đông nước Nga từ ngày 11 đến 17/9, với sự tham gia của 300.000 binh sĩ Nga từ các quân khu miền Đông và miền Trung, 36.000 xe quân sự các loại, 1.000 máy bay, 80 tàu chiến và tàu hỗ trợ.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo đã cử gần 3.200 binh sĩ, 900 loại vũ khí, 30 máy bay và trực thăng tham gia tập trận - động thái càng khiến phương Tây lo ngại hơn về sự hợp tác quân sự chặt chẽ hơn của 2 nước này.
Ông Sleboda nhận định với đài Sputnik rằng cuộc tập trận Vostok 2018 nêu bật mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và Nga.
"Mối quan hệ đối tác chiến lược quân sự, chính trị, kinh tế này... đang trở thành một liên minh" - ông nhấn mạnh, đồng thời nói thêm liên minh bắt đầu hình thành là do chính sách của Mỹ với cả 2 quốc gia này. Tương tự, nhà bình luận Fyodor Lukyanov cho rằng Trung Quốc và Nga sát cánh với nhau là phản ứng trực tiếp đối với hành động của người Mỹ.
Những gì diễn ra tại EEF cũng cho thấy Nga và Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt quan hệ. Giám đốc Điều hành Công ty Năng lượng hạt nhân Nga Rosatom, ông Alexey Likhachev, hôm 12/9 cho biết công ty này đã thương thảo với các đối tác Trung Quốc về khả năng hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở các nước thứ ba.
Chưa hết, theo đài CNBC, Ủy ban Tư vấn Kinh doanh Nga - Trung hôm 11/9 thông báo cơ quan này đang xem xét 73 dự án đầu tư chung trị giá hơn 100 tỉ USD. Cũng theo thông báo này, 7 dự án trị giá tổng cộng 4,6 tỉ USD đã được thực hiện nhờ hoạt động của ủy ban nói trên - tập hợp 150 đại diện các công ty hàng đầu ở Nga và Trung Quốc.
Cùng ngày, Quỹ Đầu tư Nga - Trung và Tập đoàn Đầu tư khoa học và công nghệ Trung Quốc Tus-Holdings công bố các kế hoạch đầu tư chung trị giá hơn 1,4 tỉ USD.
Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga là một vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu giữa lúc 2 quốc gia này nỗ lực ổn định nền kinh tế trước chính sách cứng rắn của Mỹ thời gian qua - lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow và chiến tranh thương mại đang leo thang với Trung Quốc.
Lục San
THU HẰNG
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội